Tổng số lượt xem trang

Đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc ở Việt Nam hiện nay

 Một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta đó là vấn đề dân tộc, trong đó có mối quan hệ giữa người Kinh với các tộc người thiểu số, gây ra những bất ổn về chính trị - xã hội. Do vậy, đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch và đưa ra các giải pháp nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.



Khái quát về mối quan hệ giữa người Kinh với các tộc người thiểu số

Việt Nam vốn là nơi chuyển cư của nhiều dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, đó là các dòng chuyển cư từ phía Nam lên, từ phía Tây sang và chủ yếu từ phía Bắc xuống. Qua các đợt chuyển cư đã có nhiều dân tộc định cư lâu dài ở Việt Nam. Các dòng chuyển cư đến đầu tiên định cư ở các thung lũng, chân núi; các đợt đến sau định cư ở rẻo giữa và sau nữa lấy rẻo cao làm nơi sinh sống. Tính chất chuyển cư như vậy đã tạo nên bản đồ cư trú của các dân tộc trở nên phân tán, xen kẽ. Đây là một đặc điểm nổi bật về bức tranh phân bố dân cư của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Cũng chính tình hình cư trú phân tán, xen kẽ đã làm cho các dân tộc ở Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng. Vì vậy, không có một dân tộc nào ở Việt Nam cư trú tập trung và duy nhất trên một địa bàn1. Tới nay, ở miền núi, không có tỉnh, huyện nào chỉ có một dân tộc cư trú. Nhiều tỉnh có trên 20 dân tộc cư trú như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lâm Đồng. Nhiều xã, bản có tới 3-4 thành phần dân tộc cùng sinh sống.

Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, người Kinh luôn đóng vai trò trung tâm đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Kinh có mặt ở vùng dân tộc thiểu số từ rất sớm, đặc biệt, sau năm 1954 khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện chính sách phân bố lại dân cư trên phạm vi cả nước nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, tình trạng sinh sống đan xen giữa các tộc người càng trở nên phổ biến.

Việc các tộc người cư trú xen kẽ đã tạo điều kiện để đẩy mạnh sự giao lưu trên các lĩnh vực về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội.

Về văn hóa, qua tiếp xúc, giao lưu, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của người Kinh được các tộc người thiểu số chọn lọc tiếp thu và ngược lại. Đến nay, hầu hết các tộc người thiểu số đều biết sử dụng tiếng và chữ viết của người Việt ở những mức độ khác nhau để giao tiếp, học tập, làm ăn kinh tế... Ngược lại, một bộ phận người Việt tích cực học tiếng của các tộc người thiểu số để giao tiếp và làm ăn. Họ cũng biết sống trong các ngôi nhà sàn, uống rượu cần, làm nương rẫy... như các tộc người thiểu số trong vùng2.

Về kinh tế, người Kinh có thể hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số còn ở trình độ kém phát triển, thực hiện quan hệ trao đổi nhằm tăng giá trị thương phẩm của hàng hóa - dịch vụ. Đây là yêu cầu quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế đã phát sinh một số vấn đề, điển hình là tiêu cực trong làm ăn, buôn bán gây nên định kiến cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đối với người Kinh.

Về chính trị - xã hội, trong mối quan hệ giữa người Kinh với các tộc người thiểu số thì bình đẳng, tôn trọng, hòa hợp và giúp đỡ lẫn nhau là xu hướng chủ đạo và được thể hiện ngày càng đầy đủ. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của tộc người đa số với các tộc người thiểu số vẫn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và đảm bảo đoàn kết dân tộc. Đội ngũ cán bộ, công chức đông đảo và có trình độ chuyên môn cao của người Kinh bao gồm giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ khoa học - kỹ thuật... đang phục vụ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Trong quan hệ hôn nhân, tỷ lệ kết hôn hỗn hợp giữa các tộc người ở khắp mọi vùng, miền ngày càng trở nên phổ biến.

Âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa người Kinh với các tộc người thiểu số ở Việt Nam

Trên cơ sở phân tích mối quan hệ trên các lĩnh vực về văn hóa, kinh tế, chính trị - xã hội giữa người Kinh với các tộc người thiểu số do ảnh hưởng từ đặc điểm cư trú xen kẽ, cùng sinh sống đan xen và đặc biệt sự có mặt ngày càng gia tăng của người Kinh có tác động hai mặt cả tích cực lẫn tiêu cực tới các lĩnh vực trên ở vùng dân tộc thiểu số ở nước ta.

Bên cạnh những hành vi tiêu cực trong làm ăn, buôn bán, một số người có chức quyền đưa con em, họ hàng lên lập nghiệp, cư trú ở những nơi thuận tiện giao thương, chủ yếu là các khu đất ven trụ sở ủy ban xã, trung tâm cụm xã, chợ, trường học, thị tứ, thị trấn ven những con đường và công trình công cộng mới được xây dựng. Những điều đó làm cho một bộ phận đồng bào các tộc người thiểu số nảy sinh tâm lý đố kị, quay lưng với người Kinh, đặc biệt, nảy sinh ngày càng nhiều mâu thuẫn do một số người còn cho rằng người Kinh chiếm đất đai của cha ông họ để lại. Biểu hiện trên càng bộc lộ rõ hơn trong thời gian gần đây, khi triển khai các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, dự án phát triển quốc gia.

Lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bịa đặt rằng người Kinh đang chiếm đất của đồng bào dân tộc thiểu số hòng phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kinh với các tộc người thiểu số. Điển hình ở Tây Nguyên, những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, trong đó Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), nhất là trong thời kỳ đổi mới, các thế lực thù địch thông qua chiêu bài dân chủ, nhân quyền, đã tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở ở Tây Nguyên với tên gọi “Tin lành Đề ga”. Chúng kích động người dân tộc thiểu số tranh chấp, khiếu kiện đất đai, gây mất ổn định trật tự an ninh - xã hội. Chúng kích động, gây chia rẽ trong quần chúng nhân dân với những luận điệu xuyên tạc cho rằng người Kinh cướp đất của người Thượng (các dân tộc thiểu số tại chỗ tại Tây Nguyên), xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đỉnh điểm của những âm mưu, thủ đoạn trên là đã gây ra các cuộc bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004 hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đòi thành lập “Nhà nước Đề ga”, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị ở Tây Nguyên và sự thống nhất, toàn vẹn của đất nước. Với nhiều thủ đoạn để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, chúng kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên biểu tình, vượt biên ra nước ngoài, chúng thành lập và triệt để lợi dụng các tà đạo như “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, “Hà Mòn”, “Bơ khắp Brâu” hoạt động dưới danh nghĩa các tổ chức tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan và kích động phá hoại, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Không chỉ xuyên tạc để hình thành và khoét sâu mâu thuẫn giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà cụ thể ở đây là giữa dân tộc Kinh với các dân tộc Thượng, chúng còn triệt để lợi dụng các sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, công chức để kích động đồng bào tụ tập gây rối, biểu tình, đồng thời vu cáo, xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai để kích động tư tưởng ly khai, tự trị.

Giải pháp tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kinh với các tộc người thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Các dân tộc ở Việt Nam từ sớm đã hình thành ý thức đoàn kết, cùng chung sống một cách hòa bình trong một quốc gia đa tộc người. Từ thực tiễn, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, các dân tộc thiểu số đã sát cánh cùng dân tộc đa số, có nhiều đóng góp to lớn. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chính sách của Đảng và Nhà nước càng tập trung thực hiện đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc. Những điều đó tạo nên sức mạnh và là điều kiện cho sự tồn tại của mỗi tộc người - thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Cùng với việc triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, cư trú đan xen và sự có mặt của người Kinh ngày càng gia tăng ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện cho sự tăng cường hiểu biết, hòa hợp và xích lại gần nhau giữa các tộc người, nhất là người Kinh - với vai trò chủ thể, dẫn dắt các tộc người thiểu số trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… tạo ra những chuyển biến ngày càng tích cực trong đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở các địa phương.

Do đó, để tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kinh với các tộc người thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp này, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Làm rõ cho đồng bào hiểu về âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc nói chung, âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và sự thống nhất đất nước nói chung, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của đồng bào các dân tộc thiểu số trước mọi âm mưu lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng miền núi và dân tộc thiểu số.

Xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều giữa các dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thực hiện bình đẳng dân tộc, xem đó là một nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc. Cùng với chủ trương tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có khu vực miền núi, tiếp tục triển khai các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tạo nên những chuyển biến rõ rệt nhằm tiến tới thu hẹp sự chênh lệch trong sự phát triển của các dân tộc. Khi quyền bình đẳng dân tộc được thực hiện, đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao trong thực tiễn cuộc sống thì sự thiếu tin cậy lẫn nhau giữa các tộc người cũng không còn bất kỳ khe hở nào để các thế lực thù địch có thể lợi dụng để phá hoại quan hệ giữa người Kinh với các tộc người thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch.

Hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp quản lý gần gũi nhất với đời sống của quần chúng nhân dân, dễ theo sát những biến động cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi chúng xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc phát huy vai trò tiên phong của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa ngăn chặn được từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, vừa hạn chế tối đa những hậu quả khó lường do các thế lực thù địch gây nên.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ mối quan hệ giữa các tộc người, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đang lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế, sơ hở của các cấp chính quyền, của Đảng, Nhà nước và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son