1. Cần khẩn trương “thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”
Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chủ trương về xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nhờ đó, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới vẫn còn không ít những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển, trong đó, tình trạng bất cập về mô hình tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị đang là một điểm nghẽn lớn. Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng về căn bản vẫn là mô hình tổ chức được hình thành từ hơn 60 năm trước, trong bối cảnh đấu tranh giải phóng miền Nam, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và điều kiện, môi trường kinh tế – xã hội thời kỳ áp dụng cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, theo mô hình Liên Xô, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để tình trạng bất cập về tổ chức bộ máy kéo dài là do công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Nhận thức và hành động của một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, cách làm chưa đồng bộ, hệ thống.
Những bất cập về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ làm hạn chế việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mà đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước, cản trở việc thúc đẩy đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vì vậy, “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”[1], để xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới.
2. Một số vấn đề cần quán triệt trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên phát triển mới hiện nay
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, chủ trương, biện pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị với tinh thần cách mạng
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong toàn Đảng, hệ thống chính trị cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, quán triệt kịp thời, sâu sắc các chủ trương, định hướng, văn kiện về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục ngay tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm chưa cao và hành động thiếu quyết liệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Cần quán triệt sâu sắc trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống chính trị tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “…đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước”[2].
Thứ hai, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
(1) Tổng kết thực tiễn, đẩy nhanh thiết kế lại mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính chính trị đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng kết cần tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương… bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.
(2) Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu” của Đảng. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
(3) Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp. Sắp xếp lại các ủy ban của Quốc hội cho tinh gọn, hoạt động hiệu quả, không bị chồng chéo hoặc chia cắt nhiệm vụ, trách nhiệm.
(4) Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; đồng thời đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước. Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược.
Nghiên cứu, thực hiện mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo nguyên tắc “một việc, một cơ quan chủ trì”. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ. Chính phủ phải giảm bớt các ban quản lý dự án, hợp nhất các đơn vị làm việc giống nhau để giảm chi phí. Các cơ quan nhà nước được giao một nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm với kết quả làm việc. Một số việc mà nhà nước không nhất thiết phải làm sẽ được giao cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm. Tổ chức các bộ, cơ quan chuyên môn cần sắp xếp lại theo hướng giảm hợp lý các bộ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật, chú ý đến các yếu tố văn hóa, lịch sử, quốc phòng, an ninh.
(5) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cần khắc phục tình trạng cồng kềnh, xu hướng hành chính hóa, nhà nước hóa, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.
Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo hướng đưa chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) thành pháp nhân công quyền; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm..
Thứ năm, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hoá chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
PGS,TS Nguyễn Văn Giang
Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương
(Nguồn hdll.vn)
——————————————————————
[1] Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên; VnExpress, 12/11/2024.
[2] Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên; VnExpress, 12/11/2024,
ConversionConversion EmoticonEmoticon