Tổng số lượt xem trang

Phản bác quan điểm sai trái phủ nhận bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 Văn Khoa

Thời gian qua, các thế lực thù địch liên tiếp tung ra các bài viết xuyên tạc, phủ nhận bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng cho rằng bản chất Nhà nước ta là “độc tài”, “toàn trị” trên cơ sở các luận điệu xuyên tạc, suy diễn, bôi nhọ hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, như “chế độ một đảng của Việt Nam là trái với nguyên tắc pháp quyền, không thể phát huy được dân chủ mà chỉ mang tính độc tài, áp đặt”; “Trước tình trạng cai trị độc tài, vô hiệu quả của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân không thể chịu đựng được nữa, đang đứng lên để chống đối những sai lầm đó, đứng lên đòi nhân phẩm, nhân quyền, dân chủ. Càng ngày càng có nhiều người đấu tranh, người trước, kẻ sau, càng ngày càng đông”; “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội tức là theo chế độ đảng trị-đảng chủ” và cáo buộc rằng thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là “không phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, “trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Hiến pháp Việt Nam là không chính danh, chỉ là điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”,…

Lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động không ngừng bôi nhọ, bóp méo, xuyên tạc việc thực hiện dân chủ ở nước ta, cho rằng ở Việt Nam không có dân chủ. Chúng ra sức xuyên tạc, kích động tư tưởng hoài nghi về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trịđưa ra nhiều luận điệu sai trái hòng xuyên tạc, phủ nhận bản chất pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng cho rằng, “nhà nước pháp quyền là giá trị của các nước tư bản, việc Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là có hướng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, và “chỉ có nhà nước pháp quyền tư sản, không có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Từ đó chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và cho rằng chế độ dân chủ tư sản đang tồn tại ở phương Tây là chế độ dân chủ cao nhất, là “thiên đường vĩnh hằng”; “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”, “đa đảng, đa nguyên là thành tố quan trọng nhất để xây dựng nên một quốc gia dân chủ”, và “đa đảng sẽ bảo đảm quyền làm chủ đất nước của nhân dân”. Theo đó, chúng đòi Việt Nam sửa đổi Hiến pháp năm 2013, sửa đổi thể chế Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo mô hình “tam quyền phân lập”.

Qua đó có thể thấy rõ mưu đồ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là xuyên tạc, phủ nhận sự tồn tại và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mưu toan “hướng lái” con đường phát triển của Việt Nam theo các nước tư bản chủ nghĩa. Đó là xây dựng nhà nước theo mô hình của các nước tư bản, thực hiện “tam quyền phân lập”. Đây là những luận điệu sai trái cần phải kiên quyết bác bỏ.

Trước hết, cần khẳng định rằng, dân chủ là xu hướng phát triển tiến bộ của lịch sử loài người, nhưng nó không được quyết định bởi chế độ một đảng hay nhiều đảng mà tùy thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, Đảng đó đại diện cho lợi ích của giai cấp nào.

Quan điểm cho rằng một đảng thì mất dân chủ, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ mang tính phiến diện. Thực tiễn thế giới cho thấy, đất nước có dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào đảng cầm quyền đó có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho một bộ phận thiểu số người trong xã hội đó. Nếu một đảng chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của đảng mình, giai cấp mình thì hoạt động của đảng đó sẽ mang tính cục bộ và khó có thể được các giai tầng khác chấp thuận để trở thành lực lượng lãnh đạo cho toàn xã hội. Ngược lại, nếu một đảng vừa đại diện cho lợi ích của đảng mình, giai cấp mình, vừa đại diện cho lợi ích của toàn xã hội thì chắc chắn đảng đó sẽ được nhân dân tin tưởng, ủy thác làm lực lượng lãnh đạo xã hội. Điều đó là minh chứng xác thực để khẳng định rằng không phải đa đảng là dân chủ và một đảng là mất dân chủ.

Hai là, dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, được Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt mục tiêu mang lại độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, giúp nhân dân có quyền làm chủ thực sự. Do đó, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân với phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân”.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để xây dựng một nền dân chủ thực sự, được thực hiện trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ gắn liền với kỷ cương, kỷ luật và được thể chế hóa bằng pháp luật, bảo đảm bằng pháp luật. Quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện rất rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống, ở mỗi cấp, trên tất cả lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”[1]. Vì vậy, không thể tùy tiện quy chụp rằng Việt Nam không chú trọng đến dân chủ hoặc mất dân chủ, bởi điều đó phản ánh không đúng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Ba là, mô hình “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với điều kiện và thể chế chính trị của Việt Nam. Việt Nam lựa chọn cách thức tổ chức quyền lực là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, không thực  hiện “tam quyền phân lập” mà kiên định nguyên tắc “quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[2] và “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”[3]. Đây là sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh Việt Nam cũng như xu thế khách quan của thời đại, đúc rút từ thực tiễn gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới cũng như việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Chúng ta không phủ nhận những giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền, đó là tinh hoa trí tuệ nhân loại, mang tính quy luật, chứ không phải sản phẩm riêng có, độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ, chưa có tiền lệ, đòi hỏi có sự nhận thức lý luận khoa học, sự vận dụng sáng tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo các giá trị phổ quát về nhà nước pháp quyền, song cũng gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đánh dấu một bước tiến trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta thời kỳ đổi mới.

Không thể lập luận rằng “xây dựng Nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, không thể xuyên tạc ở Việt Nam “chỉ có đảng trị, không có pháp quyền”… Mô hình nhà nước “tam quyền phân lập” cũng không phải là khuôn mẫu, tiến bộ về tự do, dân chủ, nhân quyền. Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi khi đưa ra luận điệu này, các đối tượng nhằm cố tình xuyên tạc, phủ nhận thể chế chính trị của Việt Nam cũng như phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng  Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Ca ngợi, cổ xúy và thúc đẩy mô hình nhà nước “tam quyền phân lập”, ca ngợi cái gọi là giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phủ nhận mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Mặt khác, việc tung ra luận điệu xuyên tạc hòng làm méo mó bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội, làm giảm uy tín, vị thế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, không thể coi thường hoặc xem nhẹ và cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái đó./.


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.84-85.

[2] Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[3] Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguồn: ivanlevanlan.wordpress.vn

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son