Tổng số lượt xem trang

Vạch trần thủ đoạn lợi dụng “xã hội dân sự” để chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam

 Hoạt động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” là một trong những phương thức, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang tiến hành với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” đối với cách mạng Việt Nam. Ý đồ thâm hiểm, xuyên suốt của các thế lực thù địch là hình thành các phong trào ly khai, các tổ chức đối lập dưới hình thức các hội, nhóm, các công đoàn, ủy ban… tiến đến tạo ra các cuộc “cách mạng màu” tác động chuyển hóa chính trị ở Việt Nam. Các cuộc “cách mạng màu” xảy ra ở một số nước Trung Á – SNG, “Cách mạng cam” ở Ucraina, “Mùa xuân Ảrập” ở Bắc Phi và Trung Đông…, được coi là những điển hình của các cuộc lật đổ chế độ chính trị ở các nước  này bằng bất bạo động do các nhóm “xã hội dân sự” tiến hành dưới sự giúp đỡ, cổ vũ, hậu thuẫn của các nước phương Tây. Vì vậy, cần vạch trần thủ đoạn chống phá nguy  hiểm này của các thế lực thù địch.

1. Nhận diện “xã hội dân sự”

Khái niệm “xã hội dân sự” được  hiểu là không gian xã hội công cộng nằm  ngoài khu vực nhà nước, thị trường và lĩnh vực riêng tư của cá nhân, bao gồm tổng thể các thiết chế, thể chế xã hội độc lập tương đối với nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vưc văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội,…

Trên cơ sở quan điểm của C.Mác, cùng với sự tổng kết các quan điểm về xã hội dân sự, có thể đi đến một sự khái quát chung như sau:

Xã hội dân sự là tập hợp các mối quan hệ (và thiết chế tương ứng đi kèm) giữa các cá nhân trong khuôn khổ của một quốc gia – dân tộc (Nation – State), được xác định với những đặc tính cơ bản như: tính tự nguyện, tính phi lợi nhuận và tính tự quản. Xã hội dân sự được xem là lĩnh vực nằm cạnh và độc lập với thị trường và nhà nước. Trong khái niệm này nổi lên những dấu hiệu bản chất của thuật ngữ xã hội dân sự như sau:

Thứ nhất, xã hội dân sự là “những hoạt động tập thể tự nguyện”. Những hoạt động này mang tính tập thể, tức là thuộc  lĩnh vực hoạt động công cộng – phân biệt với những lĩnh vực riêng tư, cá nhân. Chúng mang tính tự nguyện, dựa trên những nguyên tắc đạo đức được chia sẻ và không bị ép buộc, không bị dẫn dắt bởi ý chí chính trị hay bởi mục tiêu lợi nhuận.

Thứ hai, xã hội dân sự phân biệt với thị trường bởi tính chất phi lợi nhuận trong các hoạt động của nó. Các dịch vụ hay sản phẩm mà những tổ chức thuộc xã hội dân sự cung ứng là miễn phí và mang tính công ích.

Thứ ba, xã hội dân sự tồn tại dưới dạng những tổ chức và thiết chế mang tính tự quản. Những tổ chức, nhóm, nghiệp đoàn… của xã hội dân sự hoạt động trên cơ sở luật pháp, nhưng lại không đi theo ý chí của nhà nước và không bị dẫn dắt bởi thị trường. Chúng có những mục tiêu và tôn chỉ riêng của mình là phản ánh và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các cá nhân – những người đã thiết kế và tạo dựng chúng.

Thứ tư, do các cá nhân hợp thành xã hội dân sự là những công dân sống trong lãnh thổ do quốc gia quản lý nên xét trong quan hệ đối ngoại, xã hội dân sự thể hiện ra với tư cách là một dân tộc (trong quan hệ với những dân tộc khác). Còn trong quan hệ đối nội, xã hội dân sự là “cử tri” của quyền lực nhà nước. Nói cách khác, ý chí và hành vi đồng thuận của người dân là cơ sở để hình thành nên quyền lực công cộng.

Thứ năm, với tư cách là một lĩnh vực nằm cạnh, độc lập với thị trường và nhà nước, xã hội dân sự phải hứng chịu sự tác động đến từ hai khu vực kế cận này. Điều đó có nghĩa là, khi nhà nước hay thị trường có sự biến chuyển thì tất yếu cũng sẽ kéo theo sự biến đổi của xã hội dân sự. Điều này đúng đối với bất kỳ yếu tố nào trong “mối quan hệ tay ba” nói trên.

Từ các dấu hiệu bản chất của khái niệm xã hội dân sự trên cho thấy, xã hội dân sự là một “thực thể” có tính hai mặt (tích cực và tiêu cực). Bên cạnh những giá trị nhân văn, đạo đức có thể mang lại để góp phần phát triển xã hội nếu xã hội dân sự được quản lý và phát huy tốt các chức năng của nó, thì xã hội dân sự là một “thực thể” được tạo dựng bởi các mối quan hệ tự nguyện, tự quản, phi lợi nhuận… nên tính tổ chức khá lỏng lẻo, dễ tổn thương, dễ mất kiểm soát và rơi vào hỗn loạn, dễ bị lợi dụng vì mục đích chính trị.

Với chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực phản động quốc tế và các thế lực thù địch trong  nước luôn muốn tạo ra các lực lượng đối lập, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng xã hội Việt Nam. Vì vây, cần cảnh giác với xu hướng này, vì các tổ chức xã hội dân sự kiểu này nhằm mục đích tạo ra sự đối lập và thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước ta.

2. Âm mưu các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với âm mưu thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Để thực hiện âm mưu tác động gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết tiến hành một số hoạt động sau đây:

Một là, tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của xã hội dân sự với Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tuyên truyền về cái gọi là ranh giới giữa nhà nước với xã hội dân sự, giữa “công” và “tư”, giữa “chính trị” và “phi chính trị”. Theo đó, xã hội dân sự được đề cao, tuyệt đối hóa, được mô tả như là mô hình xã hội nhân đạo, tốt đẹp, dân chủ; ngược lại, nhà nước là cơ quan bảo thủ, chuyên chế và cưỡng bức. Thực chất, đây là các luận điệu tuyên truyền nhằm làm cho vai trò tổ chức, quản lý xã hội của Nhà nước bị suy yếu, qua đó không ngừng cổ xúy cho xã hội dân sự, tạo môi trường xã hội cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam núp dưới danh nghĩa là xã hội dân sự.

Hai là, lợi dụng xã hội dân sự để đòi hỏi về dân chủ hóa. Các thế lực phản động có thể lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để đòi Nhà nước phải bảo đảm tự do vô giới hạn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng xác định coi việc hình thành xã hội dân sự độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân và các quyền con người.

Ba là, lợi dụng viện trợ, quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, đòi thành lập các hội, các tổ chức độc lập về chính trị; tác động và gây sức ép đòi thay đổi đường lối, chính sách, hệ thống pháp luật và lĩnh vực tư pháp. Bằng các hình thức tài trợ khác nhau cho một số tổ chức xã hội dân sự, các thế lực phản động nhằm mục đích chính trị là hậu thuẫn cho các thế lực hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; lợi dụng vấn đề tự do lập hội để tập hợp lực lượng đối trọng với Đảng, Nhà nước ta, gây sức ép và đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Bốn là, thông qua môi trường xã hội dân sự, các lực lượng phản động lôi kéo quần chúng vào hoạt động dưới danh nghĩa vì mục tiêu chung, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền, dùng chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường…, từ đó tạo ra những tâm lý phản kháng, tinh thần đấu tranh của quần chúng chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Âm mưu của các thế lực phản động quốc tế là nhằn tạo ra các lực lượng đối lập, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng xã hội Việt Nam, do đó, chúng tác động cho ra đời những tổ chức xã hội dân sự kiểu phương Tây để từ “phản biện” hướng đến “phản đối” và cuối cùng thành tổ chức “phản động, chống đối” Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thực chất là các thế lực phản động phương Tây đang muốn sử dụng các tổ chức xã hội dân sự như một phương thức để “diễn biến hòa bình” tiến tới “diễn biến không hòa bình” (cách mạng màu) lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

Không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường “quan tâm” nhiều đến các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị – xã hội hoặc đang xảy ra các sự kiện “nhạy cảm” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Trong bối cảnh đó, một mặt chúng ta phải không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu lợi dụng vấn đề xã hội dân sự của các thế lực thù địch; mặt khác cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức xã hội, không để cho ra đời các tổ chức xã hội dân sự trá hình nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta./.

Theo ivanlevanlan.wordpress.com

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son