Ảnh sưu tầm |
Giáo dục lý luận chính trị là một trong những nhân tố quan trọng, không chỉ trang bị những tri thức, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học và lý tưởng cách mạng mà còn giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thống nhất ý chí và hành động, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cho đến khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo Người, đó là một khâu quan trọng, một nhiệm vụ thường xuyên để thiết thực xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
“KHÔNG CÓ LÝ LUẬN CÁCH MỆNH THÌ KHÔNG CÓ CÁCH MỆNH VẬN ĐỘNG”
Nhận thức sâu sắc rằng: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”[1] và gắn lý luận với thực tiễn là một trong những nhân tố quan trọng để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, trong quá trình vận động thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, đặc biệt là giảng dạy những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin tại lớp Huấn luyện chính trị ở Quảng Châu cho những thanh niên Việt Nam yêu nước…
Xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt, đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đã làm cho lý luận Mác- Lênin thâm nhập vào quần chúng, “ăn sâu, bén rễ”, tỏ rõ sức sống bền vững và được bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, trở thành “lực lượng vật chất” to lớn, góp phần quan trọng làm cho Đảng ta “không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực”[2] và đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trở thành Đảng cầm quyền, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo nhân dân xây dựng chế độ xã hội mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hằng ngày, hằng giờ phải đối diện với không ít nguy cơ, thách thức và những bất cập xuất hiện. Bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới, quy luật của thời kỳ mới cũng khác với những năm tháng tiến hành cuộc đấu tranh giành chính quyền, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên để hoàn thành trọng trách của mình cần phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức cách mạng.
Ảnh sưu tầm |
Theo Hồ Chí Minh, muốn khẳng định và giữ vững vị thế của một Đảng cầm quyền, “đòi hỏi Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng”[3] với tinh thần “cầu học, cầu tiến bộ”. Lý luận khoa học mà Người nắm vững, vận dụng một cách sáng tạo và điều kiện cụ thể của Việt Nam và luôn mong mọi cán bộ, đảng viên được trang bị, thấm nhuần chính là lý luận Mác - Lênin, lý luận cách mạng nhất, thiết thực nhất chỉ đạo mọi hành động: “Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu rõ hai đặc điểm của hai giai đoạn trong quá trình hiểu biết… Đặc điểm trong giai đoạn cao là lý luận… Lý luận mới giải quyết được vấn đề bản chất. Nếu không thực hành thì không thể nào giải quyết được nhưng vấn đề thiết thực ấy”[4]. “Lý luận sở dĩ quan trọng như vậy là vì nó dạy ta hành động”- do đó, Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh hình thức trong học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng lý luận của học thuyết cách mạng, khoa học này.
Theo Hồ Chí Minh, trong chiến tranh hay trong hòa bình, lý luận sẽ giúp người cán bộ, đảng viên nắm cái tinh thần và nguyên tắc xử trí đối với công việc: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[5]; “làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[6]. Đặc biệt, không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận, mà Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[7]. Do đó, một mặt phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông; phải “phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ”…; mặt khác, “trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế”, “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”[8]. Trong quá trình học tập lý luận, mỗi cán bộ, đảng viên phải: có thái độ cho đúng: phải khiêm tốn, thật thà vì kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập; phải tự nguyện, tự giác, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập; phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều, phải suy nghĩ chín chắn; phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba hoa, điều hòa; phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình… phải dần dần xây dựng thái độ học tập đó thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập[9].
Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, là một bộ phận quan trọng về lý luận trong lĩnh vực chính trị; khẳng định vai trò và tầm quan trọng to lớn của nó đối với nhận thức và hành động của mỗi cá nhân nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung. Lý luận chính trị mang tính Đảng, tính giai cấp, đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị, nhất là nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nhằm không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Giáo dục lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v.. phù hợp với quy luật khách quan. Với ý nghĩa đó, lý luận chính trị không chỉ là cẩm nang để người cán bộ, đảng viên thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân, mà còn qua thực tiễn khách quan kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi, cập nhật, nắm bắt tình hình trong và quốc tế, để chủ động và kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Lý luận có vai trò quan trọng và việc giáo dục lý luận chính trị, xây dựng nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản, vào con đường và biện pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc vạch ra để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên đối với Đảng ta.
Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã không ngừng học hỏi, làm giàu tri thức, vượt lên lối tư duy kinh nghiệm, cảm tính để đến với lý luận khoa học; gắn lý luận với thực tiễn cách mạng. Người là tấm gương sáng, sâu sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đề ra quyết sách và lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn là đặc điểm nổi bật trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh, thể hiện rõ trong tư tưởng và tấm gương thực hành của Người.
PHẢI TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và cán bộ, đảng viên nhất định phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Vì thế, việc học tập lý luận chính trị, nhất là lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin là công việc thường xuyên, tất yếu, là nhiệm vụ mà mọi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, trau dồi.
Song cũng theo Hồ Chí Minh, lý luận là rất cần thiết, “là kim chỉ nam cho hành động cách mạng”, nhưng lý luận không phải là lý thuyết cứng nhắc, khô khan mà đầy tính sáng tạo; luôn được bổ sung bằng những kết luận đúc rút được từ thực tiễn sinh động, nên Người yêu cầu cán bộ, đảng viên và toàn Đảng phải học lý luận, nâng cao trình độ lý luận và gắn lý luận với thực tiễn. Để lý luận gắn với thực tiễn, trước hết phải nâng cao trình độ lý luận, khắc phục bệnh kém lý luận, bệnh khinh lý luận, vì những bệnh đó sẽ dẫn tới kinh nghiệm, tuyệt đối hoá kinh nghiệm, chủ nghĩa kinh nghiệm... Người khẳng định: “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để hắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”[10]; “thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”… vì vậy, cán bộ, đảng viên khi học cũng như vận dụng lý luận phải luôn xuất phát từ thực tiễn.
Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên ngại học lý luận Mác - Lênin, lười học tập, quán triệt nghị quyết, làm việc chỉ dựa vào kinh nghiệm, dẫn tới tuyệt đối hóa kinh nghiệm, cho kinh nghiệm là yếu tố quyết định thành công trong hoạt động thực tiễn. Thật ra, đó là những người “chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”[11]. Quên rằng, “kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ”[12], những người ấy thực sự không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của lý luận đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn… Từ đó, dù có lòng nhiệt thành cách mạng, gương mẫu đi đầu và từng bước trưởng thành hoạt động thực tiễn, song yếu kém về lý luận, nhất là những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, không vận dụng đúng đắn lý luận của học thuyết khoa học này trong thực tiễn đã khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc. Do trình độ lý luận thấp, “không có lý luận hướng dẫn” và nhất là làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính đã dẫn họ đến “không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”.
Ảnh sưu tầm |
Bên cạnh đó, cũng đã có không ít người coi lý luận nói chung, nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin nói riêng là công việc của những người lãnh đạo cấp cao, của các nhà lý luận, còn đối với họ - lý luận là cái trìu tượng khiến bó buộc tư tưởng, gò bó hành động và không cần thiết… Ngược lại, có những người đã tuyệt đối hóa các nguyên lý của học thuyết cách mạng và khoa học, coi đó là những chân lý bất biến trong tư duy của mình và rơi vào giáo điều, chủ quan duy ý chí, khiến hành động một cách cứng nhắc, cực đoan. Cũng theo Hồ Chí Minh, những biểu hiện “thuộc làu làu”, “tầm chương trích cú”, “chỉ học thuộc lòng” lý luận Mác- Lênin hoặc biết “dăm ba chữ”, “kém lý luận”, “khinh lý luận”, “lý luận suông” v.v.. của một bộ phận cán bộ, đảng viên đều chỉ làm mất đi sự hấp dẫn và sức sống của một học thuyết cách mạng và khoa học vốn có giá trị nhận thức và cải tạo cao này. Bởi, Người đã từng nhấn mạnh rằng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”[13] và “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình... Học để mà làm”[14] chứ không phải và càng không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là những công thức có sẵn để “học thuộc lòng”.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận và lý luận chính trị, Đảng ta đã đặc biệt chú trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Người vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nên các cấp ủy Đảng cần phải chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, nâng cao trình độ lý luận chính trị trong Đảng, làm cho toàn Đảng thống nhất mục tiêu lý tưởng, Cương lĩnh, đường lối; khắc phục mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói chung và giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng có sự hiểu biết sâu sắc hơn tri thức lý luận chính trị, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin vào lý tưởng cộng sản, góp phần tự tin hơn trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, để khắc phục những biểu hiện lười học lý luận, trình độ lý luận của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỏ ra chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới, nhất là sự giảm sút niềm tin cùng những nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội; nhất là việc: “3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[15] trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã dẫn đến bệnh “hình thức”, xem nhẹ lý luận, học tập lý luận chính trị như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra, các cấp ủy Đảng phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đó là, “đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng, theo hướng cụ thể, thiết thực”[16]; nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị hằng năm đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát và coi đó là một trong những tiêu chuẩn để xếp loại đánh giá hằng năm. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thiết thực học tập và làm theo những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh và tấm gương thực hành của Người về lý luận không chỉ dừng lại ở việc dùng lý luận đã thấm nhuần để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng và sai trong tư tưởng, để “bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra trong thực tiễn cách mạng của ta”[17] mà còn góp phần làm cho nhận thức của mỗi người đối với các vấn đề trong thực tiễn được nâng cao hơn và kết quả hành động vì thế thu được cũng sẽ hiệu quả hơn./.
Nguồn: Tuyengiao.vn
ConversionConversion EmoticonEmoticon