100% Uỷ viên Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư để bầu làm Chủ tịch nước
Ảnh sưu tầm |
Tại buổi họp báo, báo chí nêu câu hỏi: "Về việc Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đây là một điểm mới. Vậy Trung ương có bước chuẩn bị như thế nào để khi Quốc hội bầu và khi Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước, thì việc vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước được trơn tru?".
Trả lời báo chí, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, tại hội nghị Trung ương 8, khi biểu quyết trong Ban Chấp hành Trung ương, 100% Ủy viên Trung ương Đảng chính thức có mặt tại hội nghị (175/175) đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
"Khi biểu quyết ở Trung ương thì chỉ có các Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được quyền biểu quyết, còn các Ủy viên dự khuyết chỉ được dự.
Kết quả, 175/175 Ủy viên chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Chỉ có đồng chí Đinh Thế Huynh vắng mặt vì đang điều trị bệnh", ông Vĩnh thông tin.
Ông Vĩnh cho hay, trong lịch sử của chúng ta, đã có hàng chục năm Bác Hồ là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước nên đã có kinh nghiệm, truyền thống, không có gì đáng ngại.
"Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vĩnh, nhìn ra thế giới, người đứng đầu Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc cả hai.
"Đây là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế, vì vậy, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân mà như báo chí phản ánh được nhân dân rất hoan nghênh.
Còn các nhiệm kỳ tới, tùy theo quyết định của Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội Tổng Bí thư có là Chủ tịch nước hay không và phụ thuộc vào tình huống cụ thể.
Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của nhiều nước. Người đứng đầu Đảng cầm quyền, đều là người đứng đầu Nhà nước hoặc đứng đầu Chính phủ. Đây không phải việc lạ hoặc học theo ai đó", ông Vĩnh nhấn mạnh thêm.
Theo ông Vĩnh, việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì 2 Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước vẫn giữ nguyên, không đặt vấn đề sáp nhập vì chức năng nhiệm vụ rất khác nhau. Trả lời câu hỏi có sáp nhập Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước?, ông Lê Quang Vĩnh đã giải thích rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của từng văn phòng.
Ông Vĩnh cho biết Văn phòng Trung ương là cơ quan giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ hoạt động của Tổng Bí thư, các đồng chí ở Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng.
Trong Văn phòng Trung ương còn có bộ phận rất quan trọng là Văn phòng Tổng Bí thư gồm các Trợ lý, Thư ký của Tổng Bí thư.
Còn Văn phòng Chủ tịch nước là một chế định, vừa phục vụ pháp nhân Chủ tịch nước và thể nhân Chủ tịch nước, vừa là cơ quan, vừa là một người.
"Mặt khác trong lịch sử truyền thống có hàng chục năm ở thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước. Với kinh nghiệm truyền thống thì không có vấn đề gì đáng ngại", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Vĩnh, thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước vẫn có 2 văn phòng là Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước.
Hiện nay có 4 văn phòng gồm: Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ có quy chế phối hợp.
"Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch chỉ thuận lợi cho công việc vận hành chung", ông Vĩnh nói thêm.
Nguồn: Sưu tầm
ConversionConversion EmoticonEmoticon