Tổng số lượt xem trang

Xử lý kỷ luật Chu Hảo - Việc làm cần thiết để giữ nghiêm kỷ luật Đảng


       Trang BBC Tiếng Việt có một số bài viết với thông tin cho rằng ông Chu Hảo là “trí thức chân chính”, bị kỷ luật Đảng thì sẽ “trở về với nhân dân”, đóng góp cho sự phát triển đất nước tốt hơn “với tư cách là người tự do”. Trang này lượm lặt thông tin về một số nhân vật bất mãn để “thổi” lên thành sự kiện: “Rộ trào lưu bỏ Đảng sau vụ TS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật”.
       Trên trang cá nhân, một số nhân vật tự cho mình là những nhà dân chủ, cấp tiến thay vì nhìn thẳng vào sự thật lại lấp liếm, đổi trắng thay đen, biến những việc làm vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng của ông Chu Hảo thành những công lao, như: đã dũng cảm cho in những cuốn sách có giá trị, thúc đẩy tự do, dân chủ, bỏ nhiều công sức cho việc chấn hưng dân trí... Họ nêu, kỷ luật ông Chu Hảo “với những lý do đầy tính chất vu khống là “đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm”, sẽ dẫn đến tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt”. Đài Á Châu tự do, vẫn với giọng điệu cực đoan vốn có còn lu loa, dựng chuyện: “Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam”.
        VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG THỂ LÀ “CHẤN HƯNG DÂN TRÍ”
      Trước hết, phải khẳng định rằng, với một số sai phạm được nêu trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Chu Hảo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Đảng. Ở đây không hoàn toàn có chuyện “kỷ luật ông Chu Hảo với những lý do đầy tính chất vu khống” hay Đảng Cộng sản Việt Nam “đánh vào người trí thức yêu nước, có tài và có tâm” như những ý kiến phiến diện, một chiều.
      Theo cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến năm 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản (NXB) Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung nhạy cảm, có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.
     Nghiên cứu một số cuốn sách do NXB Tri thức phát hành gần đây, có thể thấy rất rõ điều đó, như việc cho in cuốn Đường về nô lệ của Friedrich Hayek với lời giới thiệu của NXB đổ lỗi mọi thứ không hài lòng đều do cơ chế: “Những điều mà chúng ta không bằng lòng về đời sống đạo đức của người Việt Nam ngày hôm nay không phải là do cơ chế thị trường, không phải là bản tính của người Việt Nam, mà đa phần là di chứng của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp”. Hay trong cuốn Chủ nghĩa tự do truyền thống của Ludwig von Mises với những tiểu mục như “Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi”, “Chủ nghĩa tư bản: phương thức tổ chức xã hội khả thi duy nhất” thì những quan điểm này hoàn toàn trái với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện sự thiếu nhạy cảm chính trị mà còn là hành vi tuyên truyền, tán phát ấn phẩm trái đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cuốn sách nêu trên đã vi phạm quy định nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm cấm tại Điều 10 Luật Xuất bản. Mỗi quốc gia đều có quyền quản lý hoạt động xuất bản bằng pháp luật, không thể coi việc vi phạm pháp luật về xuất bản là việc làm “chấn hưng dân trí”.
        NHỮNG BIỂU HIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”
      Xin được làm rõ hơn một số nội dung vi phạm của ông Chu Hảo mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, như: “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;... “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”.
       Là đảng viên, hơn nữa từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Chu Hảo chắn chắn biết các quy định về những điều đảng viên không được làm. Năm 2007, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Quy định số 115-QĐ/TW nêu rõ, đảng viên không được: 1-Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm. 2-Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.... 6-Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật. Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
        Năm 2012, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 47-QĐ/TW thay thế Quy định số 115-QĐ/TW vẫn có những quy định hết sức chặt chẽ về vấn đề trên. Theo đó, đảng viên không được: 1-Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. 2-Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước... 6-Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.
       Thế nhưng, trong suốt nhiều năm qua, ông Chu Hảo đã rất nhiều lần vi phạm các điều cấm trên.
      Từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Có thể kể ra nhiều thư ngỏ, kiến nghị mà ông Chu Hảo đã tham gia hoàn toàn trái với nhiệm vụ của một đảng viên cộng sản. Năm 2013, ông Chu Hảo tham gia nhóm nhân sĩ trí thức kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 với đề xuất bỏ Điều 4 về quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đề xuất một dự thảo Hiến pháp mới, trong đó thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa với người đứng đầu là tổng thống. Năm 2015, ông Chu Hảo tham gia ký thư ngỏ gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có nội dung cho rằng, sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) theo mô hình Xô viết dựa trên Chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 2018, ông Chu Hảo tham gia nhóm tán phát cái gọi là “Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng” có nội dung sai sự thật. Sau đó, ông lại ký tên cùng 126 trí thức khác gửi thư ngỏ đến Bộ Chính trị xin trả lại tự do cho “những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, tham gia nhóm phản đối Luật An ninh mạng và Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” nhưng thực chất là người gây rối bị xử lý đúng pháp luật.
         Bất chấp quy định của Đảng, ông Chu Hảo cũng thường xuyên tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình trái pháp luật cùng với các nhóm xã hội dân sự, các đối tượng xưng là nhà dân chủ cực đoan. Đặc biệt, ông Chu Hảo thường xuyên trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài trên những bài viết có nội dung chống cộng, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Năm 2016, trả lời Hãng tin Bloomberg về Đại hội XII của Đảng, ông Chu Hảo bày tỏ sự bất mãn vì “Đại hội XII khẳng định lại một lần nữa rằng Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối xây dựng CNXH theo mô hình Xô viết cũ dựa trên Chủ nghĩa Mác - Lênin; kiên trì chế độ độc tài toàn trị…”.
        Trả lời Đài RFA về Đại hội XII, ông Chu Hảo công khai nói “chủ nghĩa Mác - Lênin đã rất lỗi thời và lịch sử đã bỏ qua…”. Trả lời phỏng vấn Đài BBC tháng 9-2017, ông Chu Hảo nêu rõ quan điểm muốn thay đổi thể chế, ủng hộ cái gọi là xã hội dân sự: “Bên cạnh nhà nước, doanh nghiệp, thì xã hội dân sự có thể là chìa khóa dẫn đến những áp lực để thay đổi thể chế”.
        Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu đối chiếu vào những thông tin, việc làm nêu trên, ông Chu Hảo vi phạm nhiều biểu hiện, như: 1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. 2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nhà nước pháp quyền XHCN; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. 3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
      Tại Điều 7 Quy định số 102/QĐ-TW của Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2017 cũng chỉ ra nhiều vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ mà đối chiếu theo đó, ông Chu Hảo đã sai phạm. Các quy định tại Khoản 3 của điều này nêu rõ sẽ xử lý bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng với đảng viên: a) Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc. b) Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.
         ĐỂ GIỮ NGHIÊM KỶ LUẬT ĐẢNG
       Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại Điều 1 quy định về tiêu chuẩn đảng viên có tiêu chí đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Tại Điều 2 về nhiệm vụ đảng viên chỉ rõ đảng viên phải: Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Ðảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Ðảng.
        Với những người như ông Chu Hảo, việc phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, nói và viết sai đường lối quan điểm của Đảng đã diễn ra suốt thời gian dài. Như vậy, về thực chất, ông Chu Hảo đã từ bỏ lý tưởng, từ bỏ hàng ngũ, không còn xứng đáng với tiêu chuẩn, danh hiệu đảng viên cộng sản. Lẽ ra, với những sai phạm trên, ông Chu Hảo đã bị xử lý từ lâu, nhưng có lẽ Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn trên tinh thần tôn trọng đội ngũ trí thức, luôn cân nhắc, thận trọng, xem xét toàn diện khi xử lý những vụ việc liên quan tới các trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Dư luận cho rằng, thời gian gần đây, có một số hiện tượng cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phức tạp, công khai phủ nhận, tuyên truyền trái đường lối, quan điểm của Đảng… nhưng chưa bị xử lý. Hiện tượng này kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Vì vậy, dư luận bạn đọc và nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải xử lý nghiêm một số sự việc để làm gương, tránh tình trạng “nhờn luật”, “nhờn kỷ luật của Đảng”; những sai phạm của ông Chu Hảo có cả sai phạm về mặt pháp luật thì phải được xử lý đúng pháp luật, không dừng ở việc chỉ xem xét kỷ luật Đảng. Xử lý một vài trường hợp trí thức vi phạm không phải là tuyên chiến hay kỳ thị đội ngũ trí thức mà chính là làm trong sạch đội ngũ trí thức. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Mới đây, 100 trí thức Việt kiều trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đã được Chính phủ mời về nước tham gia giúp đỡ, kiến tạo phát triển cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
        Kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là tự giác và nghiêm minh, đồng thời cũng bình đẳng trong Đảng, không phân biệt đảng viên đương chức hay nghỉ hưu, đảng viên là lao động bình thường hay là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo. Ai vi phạm đều cần được kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm minh, bảo đảm sự trong sạch đội ngũ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng.
       Những biểu hiện sai phạm của ông Chu Hảo cũng để lại bài học đắt giá đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Ông Chu Hảo sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có người cha từng là cán bộ cao cấp của ngành công an và ngành văn hóa. Ghi nhận những cống hiến của gia đình và đánh giá cao khả năng của ông, những năm chiến tranh, ông đã được Nhà nước ưu đãi, cho đi du học, làm việc ở Liên Xô suốt nhiều năm và được bố trí nhiều vị trí công tác quan trọng, từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Lẽ ra, với tri thức và kinh nghiệm sâu sắc của mình, ông có thể chọn cho mình cách thức phù hợp hơn, đúng đắn hơn để phát huy vai trò người trí thức chân chính, cống hiến nhiều hơn, thiết thực hơn cho đất nước, thay cho những việc làm lợi bất cập hại, đi ngược với chính mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với lời thề của người đảng viên cộng sản mà chính ông từng tuyên thệ.
       Trong những bài trả lời báo chí nước ngoài, ông Chu Hảo từng dẫn mẫu hình nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và tự nhận mình đang đi theo lý tưởng của Phan Chu Trinh. Nhưng có lẽ ông đã quên rằng chí sĩ Phan Chu Trinh chưa bao giờ phê phán, từ bỏ con đường CNXH. Phan Chu Trinh từng viết: “Cái CNXH bên Âu châu rất thịnh hành như thế, thế mà người bên ta điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu: Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt… Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: Giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân.
        Mong rằng, từ những khuyết điểm, sai lầm được chỉ ra, ông Chu Hảo biết nhìn lại mình, thật sự chính tâm, thật sự làm những điều tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước.
         Nguồn: Tuyengiao
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son