Khu vực DK1 hoàn toàn nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc không có cớ gì để đánh lận con
đen về chủ quyền của mình.
Khi sóng gió nổi lên ở bãi Tư Chính - bãi
đá ngầm hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của
Việt Nam, Đại tá Nguyễn Quý, Tổng chỉ huy các lực lượng công binh xây dựng nhà
giàn đầu tiên ở khu vực DK1 đã công bố những tư liệu quý để mọi người có thể
hiểu một cách thấu đáo câu chuyện của Tư Chính nói riêng và vùng DK1 nói chung.
Đại tá Nguyễn Quý cho biết, vùng biển
rộng lớn DK1 với diện tích khoảng 80.000km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về
An ninh-Quốc phòng, khu vực giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài
nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải Quốc tế qua Biển Đông.
Ông kể, sau sự kiện Gạc Ma (14/3/1988),
chúng ta nhận thức rằng, Trung Quốc sẽ bành trướng sang các đảo khác ở Trường
Sa và có thể nhòm ngó sang các khu vực khác, nhất là khu vực DK1- thềm lục địa
phía Nam, nơi Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí, cách đất liền 250-350
hải lý.
Sau khi khảo sát thềm lục địa Nam Biển
Đông, theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày
17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương
tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm
dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Đây là một quyết định vô cùng quan trọng
vào thời điểm cách đây hơn 30 năm.
“Thực chất, nếu xác lập chủ quyền ở DK1,
các nước muốn liên doanh dầu khí với Việt Nam cũng yên tâm hơn. Do đó, chúng
tôi đề nghị ghi rõ trên công trình nhà giàn biển hiệu: “Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó mới là Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa
học kỹ thuật và tên của Việt Nam là “Tư Chính”, đánh dấu là “Tư Chính 1”, “Tư
Chính 2”…để chứng tỏ cho thế giới biết rằng, đây là vùng biển của Việt Nam”,
Đại tá Nguyễn Quý nhớ lại.
Nằm trong DK1, bãi ngầm Tư Chính có diện
tích 700 km2, chiều dài 52 km (có tài liệu nói 61km), chiều rộng 11km (có chỗ
phình ra hơn 20km) lại ở vị trí chiến lược rất quan trọng, gần sát nhất các mỏ
dầu chúng ta đang khai thác như Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng...
Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh
Công Binh kể: "Năm 1989, DK1 đầu tiên được xây dựng ở Tư Chính. Năm 1990,
chúng ta làm tiếp một nhà giàn nữa cũng ở Tư Chính theo cách “chặn đầu, khóa
đuôi”. Đến năm 1994, khi tôi đi lắp dựng công trình ở bãi cạn Cà Mau (DK1-10).
Về tới Vũng Tàu, chưa lên tới bờ thì nhận được điện của Tổng Tham mưu trưởng
Đào Đình Luyện nói rằng “đồng chí không về Hà Nội vội, ở lại đó làm việc với
Vietsovpetro, ký hợp đồng ngay để ta làm tiếp 2 nhà giàn nữa ở Tư Chính",
Bộ Chính trị đã quyết định làm thêm 2 nhà
giàn nữa ở khu vực bãi Tư Chính (Tư Chính 3 và Tư Chính 4). Sau đó, đến năm
1995, chúng ta lại xây dựng thêm 1 nhà giàn nữa ở khu vực này. Như vậy, chúng
ta có 5 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quý, theo dõi báo
chí trong nước và quốc tế, ông thấy có sự hiểu lầm khi “ghép” Trường Sa
với khu vực nhà giàn DK1. Hai khu vực này hoàn toàn khác nhau, không thể
nhầm lẫn được.
Trưởng Ban xây dựng công trình DK1 đầu
tiên khẳng định: “Nếu Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa thì khu vực DK1 lại hoàn
toàn thuộc một địa phương khác là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vì nếu nói dính dáng
Trường Sa thì Trung Quốc còn có lý do cho rằng, đó là vùng tranh chấp. Còn đây
là vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn
không có cớ gì để “đánh lận con đen” về chủ quyền của mình.
Nếu hiểu rõ điều này thì không bao giờ có
chuyện biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để có thể chia sẻ lợi
ích. Khánh Hòa cách rất xa Vũng Tàu, giữa Trường Sa và DK1 có một hõm biển nên
Công ước Luật Biển 1982 đã xác định vùng DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam”.
Đại tá Nguyễn Quý cho rằng: Trung Quốc đã
từng có ý định đưa giàn khoan vào khu vực bãi Tư Chính. Cho nên, chúng ta phải
luôn luôn cảnh giác để không cho họ đặt chân vào đó. Đặt chân vào Tư Chính
giống như con dao kề vào cổ vùng khai thác dầu khí của Việt Nam và nó khống chế
toàn bộ vùng DK1 rộng 80.000km2.
Quay trở lại với câu chuyện thời sự gần
đây khi Trung Quốc đưa tàu vào khu vực bãi Tư Chính, Đại tá Nguyễn
Quý cho biết, khi nghe tin tàu HD-8 của Trung Quốc đi vào bãi Tư Chính, ông
không lấy gì làm lạ và tôi cũng không lo lắng quá mức vì ông có niềm
tin.
Ông cũng thấy cách giải quyết của Việt
Nam vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, như các cụ ta nói “lạt mềm buộc chặt”.
"Trong thời điểm này, các nước đã
thấy rõ chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Trung Quốc hành động như vậy là vi phạm
chủ quyền, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc đặt bút ký
vào đó. Tôi tin rằng, các nước sẽ ủng hộ Việt Nam và không ai có thể chà đạp
lên luật pháp quốc tế", Đại tá Nguyễn Quý khẳng định.
Nguồn: Baodatviet.vn
ConversionConversion EmoticonEmoticon