Thời gian qua, chúng ta có thể thấy các “điều tra viên” mạng hoạt động rất sôi nổi. Từ vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên xảy ra hồi đầu năm cho đến vụ án cháu Lê Hoàng Long, học sinh Trường Gateway bị tử vong diễn ra gần đây, dư luận, mạng xã hội bàn tán với muôn vàn thông tin được đưa ra. Ấy vậy nhưng, thay vì tin tưởng vào các thông tin chính thống được cung cấp bởi các cơ quan chức trách, một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng lại hùa theo những thông tin thất thiệt được các “điều tra viên” mạng tung lên.
Vụ án “Vô ý làm chết người” xảy ra tại trường tiểu học Gateway ngay từ khi xảy ra đã tạo sự quan tâm của dư luận. Trong khi phía cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy và các cơ quan liên quan đang tích cực điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu nhằm làm rõ hành vi của từng người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật thì trên cộng đồng mạng xã hội, một sự “hỗn loạn” về thông tin cũng đang diễn ra.
Dưới vỏ bọc tự do ngôn luận, dưới danh nghĩa đấu tranh cho công lý, không ít người bằng các bài viết, bình luận, thậm chí gán ghép, đánh tráo hình ảnh đã làm nhiễu loạn thông tin, làm tổn thương đến người nhà nạn nhân. Đáng chú ý, mũi nhọn công kích của cộng đồng mạng liên tiếp hướng về phía cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra.
Ngày 27-8-2019, cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh Trường Gateway. Ngay sau đó, trên hàng loạt trang mạng xã hội, rất nhiều “thám tử”, “điều tra viên” mạng đã lên tiếng. Trong đó, một số người đã vu khống cơ quan điều tra vi phạm tố tụng, thậm chí có người còn tung tin cơ quan điều tra tạm giam bị can là để thuận lợi cho việc bức cung, nhục hình...
Bằng những lập luận mang tính suy diễn, võ đoán của mình, người ta phủ nhận những chứng cứ được cơ quan điều tra thu thập một cách khoa học đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, một loạt “giả thuyết điều tra” cũng được các “điều tra viên” mạng vẽ ra. Nguy hiểm hơn, những “định hướng” điều tra được cộng đồng mạng vẽ ra lại đi theo hướng tấn công cơ quan chức năng, tạo ra sự hoài nghi trong xã hội. Đặc biệt, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị cũng triệt để lợi dụng vụ án “Vô ý làm chết người” tại trường Gateway để xuyên tạc tình hình, tiến hành tuyên truyền chống phá đất nước.
Trên các trang facebook như Việt Tân, Chân trời mới Media, RFA, BBC, Người buôn gió… rất nhiều thông tin mang tính quy chụp, vu khống, xuyên tạc, bóp méo bản chất và kết quả điều tra ban đầu đã được đưa ra. Từ một vụ án hình sự, các đối tượng nhào nặn, bẻ lái theo hướng chính trị hoá. Các đối tượng đổ lỗi cho hệ thống chính trị, đổ lỗi cho chế độ, thậm chí là tô vẽ ra các “thuyết âm mưu” để gây sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận.
Xuất phát từ các mục tiêu khác nhau, mỗi người sẽ có những quan điểm, cách nhìn nhận riêng, trong đó không loại trừ các quan điểm mâu thuẫn, trái ngược nhau do cách tiếp cận, do động cơ, ý đồ riêng.
Với cơ quan điều tra, nhiệm vụ là làm rõ nội dung vụ án, hành vi của từng cá nhân, tổ chức có liên quan để cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Với những người hiếu kỳ, không hẳn có ý đồ, động cơ tiêu cực song vẫn đưa ra các quan điểm, ý kiến liên quan đến vụ án để thể hiện “trình độ”, hiểu biết của bản thân trên cộng đồng mạng.
Với các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, mục tiêu chúng nhằm gây bất ổn trong xã hội, tạo sự nghi kỵ giữa quần chúng nhân dân và nhà nước, tiến hành hướng lái, tác động gây hậu quả xấu cho xã hội. Và để đạt được mục tiêu, các cá nhân, tổ chức này sẵn sàng xuyên tạc, bóp méo, bẻ lái thông tin.
Do đó, về cùng một vụ án nhưng vô số thông tin trái chiều được đưa ra. Khi mà các thông tin thật giả lẫn lộn, thiếu kiểm chứng vẫn ngày ngày xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, nếu mỗi người không tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và khả năng chắt lọc thông tin thì sẽ rất dễ bị mắc vào ma trận thông tin, thậm chí là bị đối tượng xấu dắt mũi.
Nguồn: ST blog
ConversionConversion EmoticonEmoticon