Tổng số lượt xem trang

VẠCH TRẦN BỘ MẶT THẬT CỦA CÁI GỌI LÀ “TỌA ĐÀM KHOA HỌC VÙNG BIỂN BÃI TƯ CHÍNH VÀ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ” DO PLD TỔ CHỨC

Ngày 6-10-2019, tại Khách sạn Công đoàn, số 14, Trần Bình Trọng, Hà Nội đã diễn ra cuộc Tọa đàm khoa học với chủ đề “Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế do Việt Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức. Tuy nhiên, cuộc tọa đàm ấy có thực sự là tọa đàm khoa học hay tọa đàm vì một động cơ nào khác ?

Những điều tưởng như hiển nhiên:

Những hành động sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt nam và các quốc gia khác ven Biển Đông từ trước tới nay là hoàn toàn đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc, đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982). Đây là điều không có gì phải bàn cãi. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, thái độ và hành động hung hăng, âm mưu sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đẻ xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng gia tăng đến mức giẫm đạp lên luật pháp quốc tế cũng không còn có gì phải bàn cãi khi cả thế giới đều nhận thức rõ dã tâm này.

Tuy nhiên, phân tích tình hình từ góc độ nào, trong tình huống nào, đánh giá ra sao, đặt các tình huống đó trong tổng thể các mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam, trong mối quan hệ phức tạp giữa các quóc gia trong khu vực và trên thế giới để vạch ra những chủ trương, chính sách xử lý tình huống một cách đúng đắn, chuẩn xác, đảm bảo tối đa quyền lợi của Việt Nam thì lại là điều không hề đơn giản. Không phải chỉ vì bức xúc trước sự xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam thời gian gần đây mà Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt vấn đề nghiên cứu tình hình Biển Đông. Sâu xa hơn, đó là việc nghiên cứu kỹ lưỡng, soi xét và cân nhắc lợi hại trên nhiều khía cạnh, nhiều góc độ để có những đường lối chiến lược, sách lược làm kim chỉ nam cho toàn bộ các hoạt động trên các lĩnh vực nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhưng lại không phải là hiển nhiên

Thế nhưng, cái hội thảo do PLD tổ chức chỉ đưa ra những lời tố cáo, những lời kêu gọi chung chung, thậm chí là cực đoan, là bỏ rơi bản chất khoa học chính trị, khoa học pháp lý của vấn đề cũng như những khía cạnh kinh tế xã hội, đối nội và đối ngoại quan trọng khác chỉ để đi đến mỗi một kết luận: “Hãy kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”. Và chính những điều này đã bị các thế lực phản động thù địch trong và ngoài nước lợi dụng để xuyên tạc chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng Việt Nam, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam bằng các biện pháp không mấy “sạch sẽ” như “nhét chữ vào miệng” diễn giả, xuyên tạc bản chất của vấn đề. Đi kèm theo đó là những đòi hỏi vô căn cứ kiểu “gái góa lo việc triều đình” về việc buộc Việt nam phải thay đổi chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách đối ngoại về quốc phòng và an ninh, từ bỏ những chủ trương chiến lược trong việc cân bằng các mối quan hệ quốc tế, giữ gìn và bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định làm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Loại trừ những đại biểu đã bị khai trừ Đảng vì những bài viết, phát ngôn đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng như ông Chu Hảo hay người luôn có những phát ngôn quá khích như ông Lê Mã Lương, đa số những đại biểu tham dự hội thảo đều có những phát biểu có chừng mực, có lý lẽ nhất định về vấn đề được đặt ra. Thế nhưng bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây đã “nhào nặn” những ý kiến ấy rồi tung lên mạng internet và các phương tiện truyền thông khác để kích động, thổi phồng, làm phức tạp thêm vấn đề.

Phát biểu tại tọa đàm này, ông Lê Mã Lương đã đặt ra những câu hỏi đầy chất kích động kiểu võ biền như: Chúng ta không dám kiện Trung Quốc vì chúng ta sợ kiện hay sợ Trung Quốc? Không những thế, ông này còn xưng xưng nói rằng nếu để mất Bãi Tư Chính, ông ta sẽ dẫn quân đến hỏi thăm Bộ Ngoại giao. Ghê thật !

Khi tung hô, cổ xúy cho cái gọi là “tọa đàm” này, BBC Việt ngữ, VOA Việt ngữ, RFA Việt ngữ, RFI Việt ngữ cùng các tờ báo của người Việt ở hải ngoại có quan điểm thù địch với Việt Nam như “Việt Tân”, “Tiếng dân”, “Quốc dân”, “Người Việt” có địa chỉ tại Mỹ, tại Đức, tại Australia .v.v… đều nhất loạt kêu gọi Việt Nam phải liên minh quân sự, phải từ bỏ chính sách quốc phòng “ba không” (không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt nam, không cho phép bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước thứ ba). Không những thế, một số bài báo trên các tờ báo, trang mạng ấy còn được thể vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam là hèn nhát, là sợ Trung Quốc, là sợ dư luận nhân dân.

Qua sự việc này có thể rút ra mấy điều như sau:

Một là động cơ mục đích của cái gọi là những nhà khoa học đứng ra tổ chức cuộc “tọa đàm” này không hề mang động cơ trong sáng. Mang tiếng là một cuộc toạn đàm do PLD đứng ra tổ chức nhưng thực chất, “nhà tài trợ chính” đồng thời là “kẻ đứng sau giật dây” chính là “The Business Management Institution” (Tổ chức Quản trị doanh nghiệp), một chi nhánh của tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên “The  International Business Management Institute” (IBMI), đóng trụ sở tại Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức).

Vậy là đã rõ ! Theo nguyên tắc của truyền thông tư bản: “Tiếng nói thuộc về kẻ trả tiền” thì những ý kiến tại hội thảo này khi được đưa lên truyền thông đã không còn là tiếng nói độc lập của các nhà khoa học Việt Nam, cũng không còn là tiếng nói của PLD hay VUSTA nữa là mà là tiếng nói của BMI và “cấp trên” của nó là IBMI. Người dân Việt Nam lâu nay không còn lạ gì việc các NGOs mượn danh tài trợ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm tác động gây sức ép đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam thông qua các nhà khoa học và các hoạt động khoa học.

Hai là những người đã đứng ra tổ chức cuộc tọa đàm này không nhằm mục đích khoa học mà là nhằm mục đích cơ hội chính trị mượn danh “yêu nước”.

Chính bản thân Tiến sĩ Hoàng Việt, một trong những người tham gia tọa đàm này sau khi rời khỏi phòng họp đã nhận xét rằng “Không có vấn đề khoa học gì ở đây cả. Tất cả chỉ để nhằm hướng lái dư luận”. Nói cách khác, đó là “mượn danh khoa học” đồng thời “mượn danh yêu nước” và “nhân danh phản biện” để truyền bá những quan điểm sai lầm về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong tình hình Biển Đông có những diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng, thay vì phân tích kỹ lưỡng tình hình và soi xét lại các giải pháp về pháp lý, đánh giá lại xem các chứng cứ và lập luận của ta có chỗ nào chắc chắn, chỗ nào chưa chắc chắn, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào để đề ra các biện pháp phù hợp thì hầu hết các diễn giả đều chỉ hô hào, kêu gọi chung chung, chỉ nhìn thấy thuận lợi mà không nhìn thấy khó khăn, chỉ nhìn thấy cơ hội mà không nhìn thấy thách thức. Thái độ đó không thể coi là khoa học được.

Chỉ duy nhất của ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương là tương đối khách quan và tỉnh táo khi ông cho rằng việc đấu tranh pháp lý quốc tế với Trung Quốc đã được Đảng và Nhà nước ta tính đến như một trong các phương án, biện pháp đấu tranh và ta cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ. Nhưng tiến hành vào lúc nào thì còn tùy theo tình huống, tùy theo thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. tiếc rằng tiếng nói của Thiếu tướng Lê Văn Cương hầu như bị chìm nghỉm bởi sự “to còi” của ông Lê Mã Lương cũng như sự “không hợp giọng” của Thiếu tướng đối với mưu đồ của BMI và những người tổ chức cuộc tọa đàm này.

Ba là hậu quả “đổ dầu vào lửa”. Những thế lực chính trị tổ chức ra cuộc tọa đàm này không nhằm mục đích hướng tới những ứng xử phù hợp, khôn khéo trong việc giải quyết mâu thuẫn và xung đột ở Biển Đông nói chung cũng như những vấn đề căng thẳng phát sinh ở khu vực phía Bắc Bãi Tư Chính mà là sự “kích động” để làm to hơn nữa một câu chuyện vốn đã to, khiến nó vượt khỏi tầm kiểm soát.

Những phát ngôn được coi là “nảy lửa” của ông Lê Mã Lương có thể đóng vai trò một “cái bật lửa” nhằm châm ngòi cho những luồng dư luận quá khích, thiếu hiểu biết, manh động có nguy cơ dẫn đến những cuộc bạo loạn như đã từng diễn ra trong thời gia Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép trong vùng EEZ của Việt Nam năm 2014.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không hề mất cảnh giác trước các thủ đoạn của Trung Quốc nhằm từng bước xâm lấn chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Những đối sách mà Việt Nam đang thực hiện như đàm phán ngoại giao, đấu tranh không dùng bạo lực vũ trang trên thực địa, sử dụng các diễn đàn quốc tế để vận động sự ủng hộ của thế giới, tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân về đường lối, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi biện pháp hóa bình nhằm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, không làm vấn đề căng thẳng và phức tạp vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng điều đó không phải là cái cớ để các thế lực phản động thù địch vin vào đó để kích động tư tưởng bạo lực, kích động hận thù dân tộc và kết cục là “đi theo “tấm biển chỉ đường trí tuệ theo Mỹ” mà có thời Hà Sĩ Phu (tên thật là Bùi Duy Tâm) cùng đồng bọn của hắn từng kêu gào cách đây 30 năm.

Và cuối cùng, nếu không được ngăn chặn, hậu quả chính trị của cuộc tọa đàm này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, làm phân tâm cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây hoang mang trong quần chúng khi đang dễn ra quá trình đang triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Như đã thành một quy luật là cứ đến trước mỗi kỳ Đại hội Đảng ta, một bên là bọn phản động người Việt lưu vong chống phá; một bên là Trung Quốc gây sức ép với ta, hòng làm rối loạn nội bộ ta, làm chệch hướng chủ trưởng đường lối chiến lược của ta. Nói cách khác, họ đang sử dụng “con bài Hayang Dizhi 08” để phá hoại Đại hội Đảng lần thứ XIII của ta.

Hiệu quả “tham mưu”, “phản biện” cho Đảng và Nhà nước tới đâu thì chưa biết. Nhưng hậu quả có thể nhìn thấy được của cái gọi là “Tọa đàm khoa học vùng biển Bãi Tư Chính và pháp luật quốc tế” do PCA tổ chức vừa qua chẳng khác gì một cú “đâm dao sau lưng”, phá hoại uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Mặc khác, BMI còn có mưu đồ thông qua cuộc tọa đàm này để “tìm hiểu và khai thác” những chỗ mạnh, chỗ yếu trong các lập luận của Việt Nam về pháp lý để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Thế nên, dù là vô tình hay hữu ý thì hậu quả của cái “Tọa đàm” này không khác gì việc “nối giáo cho giặc”.

Việt Nam không bao giờ cần đến một thắng lợi kiểu AQ !

Trước hết là với sức mạnh quân sự áp đảo về số lượng của mình ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn cứ ép ta và ép cả các nước khác như Philippines, Malaysia, Indonesia trong suốt nhiều năm qua bất chấp phán quyết của PCA, bất chấp việc họ bị cô lập ở các hội nghị AMM 52 cũng như AIP 26 vừa qua tổ chức ở Thái Lan. Điều này cho thấy chỉ có pháp lý suông thôi thì vẫn không thể ngăn chặn được ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Vậy thì một trong các biện pháp quan trọng hàng đầu của Việt Nam là tăng cường hơn nữa tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển-đảo để bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chứ không chỉ “đấu lý xuông” với Trung Quốc.

Thứ hai là thói quen dùng sức ép ngoại giao của Trung Quốc không có gì mới lạ. Bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây khi đưa tin về cuộc toạ đàm này đặc biệt nhấn mạnh đến cái gọi là “5 không” mà họ cho là 5 điều kiện do phía Trung Quốc đặt ra với Việt Nam nhưng không hề có thông tin xác thực nào cả. Và cứ cho rằng cái gọi là “5 không” mà trong mấy bài viết của BBC, VOA, GFI, RFA nêu ra là có thật đi chăng nữa thì nó cũng chẳng khác mấy so với những thứ được gọi là “4 không” xuất hiện từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm EEZ của Việt Nam.

Những luận điệu tuyên truyền về các yêu sách “4 không” hay “5 không” của Trung Quốc đều không nhằm mục đích gì khác hơn là tô vẽ cho những luận điệu vu khống, bôi nhọ rằng “Việt Nam hèn nhát” đã quá quen thuộc trên các trang mạng truyền thông bẩn từ trước tới nay.

Một điều đáng lưu ý là trước khi cuộc tọa đàm này diễn ra, nhóm phản động “No-U” mà dư luận quần chúng nhân dân Việt Nam đã “nhẵn mặt” từ năm 2014 đến nay đã chuẩn bị phương tiện ghi hình, ghi âm cùng một nhóm cái gọi là “nhà báo” do tên Lê Dũng (“Lê Dung Vova”, thành viên cộm cán của No-U) cầm đầu để “khuếch trương” cuộc tọa đàm lên một trang Youtube có tên “Chấn hưng TV” mà chúng tự phong là “Đài truyền hình độc lập” theo hướng xuyên tạc, bóp méo sự thật, bịa đặt và vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam xung quanh vụ “Bãi Tư Chính”. Dĩ nhiên là những mưu đồ của nhóm No-U không thể qua mắt được lực lượng an ninh Việt Nam và đã bị ngăn chặn kịp thời. Thế nhưng, Lê Dũng vẫn leo lẻo gọi điện cho một đối tác của hắn ở nước ngoài để các trang mạng, trang báo, trang tin chống phá Việt Nam thổi bùng lên luận điệu “không giữ được Bãi Tư Chính là mất nước”.

Thứ ba: Ứng xử của của Đảng và Nhà nước Việt Nam vừa qua là phù hợp vì Việt Nam không hề lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA vì trong phán quyết đó, ta chịu một phần thiệt thòi trên thực tế; chỉ đưa ra lời hoan nghênh việc Toàn PCA đã ra phán quyết mà thôi. Còn cái “lưỡi bò” thì có nói cũng như không vì nó chưa bao giờ tồn tại trên thực tế mà chỉ được vẽ ra trên một tờ giấy mà người ta vãn gọi là bản đồ.. Thế nên việc cứ nhắc đi nhắc lại cái “đường lưỡi bò” là vô hình chung sẽ thừa nhận một “vùng nước lịch sử của Trung Quốc” chưa từng, chưa hề tồn tại trên thực tế từ hàng nghìn năm nay.

Việt Nam ta vẫn đưa vấn đề ra các hội nghị các cấp của ASEAN, thậm chí còn đưa ra cả Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong đàm phán với Trung Quốc, ta vẫn nêu vấn đề này qua các chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng. Nhưng trong các tuyên bố và phát ngôn, Việt Nam chỉ đề cập đến một thực tế là Trung Quốc đã và đang xâm phạm chủ quyền biển-đảo của Việt Nam đồng thời chưa bao giờ coi “đường lưỡi bò” hay “vùng nước lịch sử” mà Trung Quốc tự vẽ ra là một thực thể hiện hữu để đấu lý. Trên cơ sở UNCLOS-1982, Việt Nam không thèm xâm chiếm một tấc biển của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc cũng phải làm như vậy.

Thứ tư là về đấu tranh pháp lý thì kinh nghiệm vụ kiện của Philippines ra Tòa Trọng tài PCA hồi tháng 7-2016 cho thấy nếu chỉ kiện cáo không thôi thì không ăn thua gì. Thậm chí có thể đem lại những hậu quả xấu trong khi luật pháp quốc tế hiện nay không hoàn chỉnh và có có nhiều điểm mù mờ hoặc bị các quốc gia bảo lưu việc không tuân thủ điều nọ, khoản kia.

Một hậu quả không mong muốn đã diễn ra là với vụ kiện ra Tòa Trọng tài PCA hồi tháng 7-2016 vừa qua do Philippines đứng nguyên đơn và thắng kiện, 21 điểm đảo mà chúng ta vất vả lắm mới lấy được ở Trường Sa “bỗng dưng” bị mất quyền lợi về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế mặc dù điều này cũng trực tiếp phủ nhận lập luận của Trung Quốc về cái gọi là “vùng nước lịch sử” (tức “Đường lưỡi bò”). Còn Philippines cũng “tiêu tạn giấc mộng” về việc thiết lập cái gọi là “Khu Calaiyan” bao gồm gần hết quần đảo Trường Sa. Còn Trung Quốc thì chỉ bị phủ quyết lập luận vô lý của họ về "vùng nước lịch sử" (tức cái gọi là Đường Lưỡi Bò), một thực thể trên giấy, chưa bao giờ tồn tại trên thực tế.

Vấn đề tối hậu là ngay cả khi Tòa PCA ra phán quyết có lợi cho ta thì AI LÀ NGƯỜI THI HÀNH ÁN ? Trước hết là phán quyết của Toàn Trọng tài PCA chỉ có hiệu lực song phương (đối với bên nguyên và bên bị); đồng thời không có tính nghiêm ngặt của một sự bắt buộc thi hành. Thứ hai là từ trước tới nay, việc thi hành án quyết của Tòa Hình sự Liên Hợp Quốc (IJC) đều giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc là một trong 5 nước thành viên thường trực, có quyền phủ quyết bất cứ một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an.

Kinh nghiệm thực tế của Việt Nam trong việc buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho thấy biện pháp ngoại giao, pháp lý chỉ có hiệu quả khi có sức mạnh vật chất yểm trợ cho nó. Nếu chỉ có đàm phán không thôi thì Mỹ không đời nào chịu ký Hiệp định Pasri 1973. Mà phải có ba đòn tấn công chiến lược ở miền Nam (Trị Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ) và đòn phòng thủ chiến lược bắn rơi vài chục chiếc B-52 ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Khu 4 cũ thì Mỹ mới chịu ký với ta Hiệp định Paris. Điều này chứng minh nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự là cái chiêng. Ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Không thể chỉ “uốn ba tấc lưỡi” mà đối phương chịu dừng lại đâu. Một lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi một lực lượng vật chất. Điều này, Karl Marx và Enghels đã đúc kết rồi.

Do đó, ta chỉ kiện Trung Quốc và đảm bảo chắc chắn thắng kiện khi ta đã hội đủ: Sức mạnh phòng thủ quốc gia + Sự ủng hộ áp đảo của quốc tế + Sự đoàn kết nội bộ nhất trí cao + Thời cơ chín muồi. Việt nam chưa kiện Trung Quốc không có nghĩa là Việt Nam sẽ không kiện trung Quốc. Nhưng đã đến lúc cần thiết phải sử dụng biện pháp pháp lý hay chưa thì còn tùy vào các điều kiện nói trên để đảm bảo một thắng lợi có kết quả hiện hữu.

Thế như ngày 5-8-2019, khi trả lời phỏng vấn của báo chí về “giải pháp nào để Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề này trong thời gian tới” thì Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD lại nói rằng: “Khi chúng ta đưa ra tòa thường trực như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc, dù phía Trung Quốc không tham gia nhưng việc tòa tuyên Philippines chiến thắng đã có rất nhiều lợi ích cho Philippies, đồng thời tạo ra được tiền lệ án. Đây là thắng lợi chứ không nhất thiết tòa phải cưỡng chế Trung Quốc, vì tòa này không thể cưỡng chế được”.

Ô hay ? THẮNG KIỆN mà chỉ THẮNG SUÔNG, không có sự ràng buộc, cưỡng chế để Trung Quốc phải chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền biển-đảo của Việt Nam thì kiện để làm gì và thắng kiện cũng để làm gì ?

Việt Nam đâu có cần một thắng lợi kiểu AQ như vậy ?

Nhân đây cũng nói thêm để mọi người biết rằng AQ là nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn. AQ luôn coi trọng những thắng lợi tinh thần hão huyền, phi thực tế, cốt chỉ để thỏa mãn tính tự ái cá nhân.

Và đến đây, dư luận hãy quên đi những trò ma giáo của cái gọi là “Tọa đàm khoa học vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế” để hướng sự chú ý đến một cuộc tọa đàm đúng đắn với chủ đề “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong biển Đông theo luật pháp quốc tế” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt nam tổ chức vừa khai mạc ngày14-10-2019 tại Hà Nội. Tôi tin chắc rằng đây là một cuộc tọa đàm theo đúng nghĩa trung thực, chân chính về chính trị và nghiêm túc, khách quan về khoa học.

Ảnh: Phông chính của Tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và luật pháp quốc tế” ngày 6-10-2019 cho thấy không chỉ PLD chỉ đứng ra tổ chức cuộc tọa đàm này trên danh nghĩa, còn đằng sau nó là BMI, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son