Tổng số lượt xem trang

ĐẠI ĐOÀN KẾT - CỘI NGUỒN SỨC MẠNH.!


     1. Lạc Long Quân-một thần thoại cổ xưa nhất ca ngợi nòi giống cao quý của tổ tiên dân tộc Việt: Lạc Long Quân giống rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống tiên. Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Ý nghĩa câu chuyện nhắc nhở cháu con dù nơi miền biển, dù triền núi cao cũng đều là con Hồng cháu Lạc chung một nguồn cội tổ tiên.
      Hai chữ “đồng bào” (đồng nghĩa là cùng, bào nghĩa là bọc) có xuất xứ từ thần thoại này. Để rồi Việt Nam hôm nay tự hào là nước duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ vua Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.
Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời
       
       Nhiều truyện cổ các dân tộc Việt Nam có mô típ giải thích nguồn gốc các dân tộc chung từ “quả bầu mẹ”. “Quả bầu” chính là “hình thức phái sinh” của “cái bọc trăm trứng”. Bầu là thứ cây gần gũi, quen thuộc vùng cư dân nông nghiệp, miền núi cũng sẵn, đồng bằng cũng nhiều, dễ trồng, dễ chăm và rất tiện dụng, có thể ăn lá, ăn quả… Bầu leo trên giàn, ngọn nọ ngọn kia quấn quýt, nâng đỡ nhau gợi liên tưởng về sự giao hòa, đoàn kết, tương thân tương ái… Một hình tượng thật hay để nói về sự yêu thương, keo sơn, gắn bó!
      Từ góc nhìn văn hóa thì cây tre là biểu tượng cho tâm hồn, tính cách Việt. Tre không bao giờ đơn lẻ mà luôn mọc, sinh sống, lớn lên thành bụi, thành cụm. Phương ngữ Việt có câu “măng ấm bụi” để chỉ hiện tượng bụi tre càng nhiều cây lớn che chở nhau thì càng có nhiều măng mọc. Con người cũng vậy, bao bọc, nâng đỡ, dìu dắt nhau. Thế nên Thánh Gióng nhổ tre đuổi giặc không chỉ là sự chứng minh tinh thần quật khởi không chịu làm nô lệ của người dân Việt mà còn biểu hiện ý chí đoàn kết, tiếp nối thế hệ này với thế hệ khác. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre, tức là lại có tiếp hàng triệu, hàng triệu cây gậy khác nhận sứ mệnh giữ gìn nước non. Quả vậy, tiếp sau Gióng là bao thế hệ dùng gậy tre, gậy tầm vông… cùng nhau bảo vệ độc lập, tự do.
      Trong từ vựng tiếng Việt, chữ “đồng” (cùng) làm thành hệ thống từ ghép đồng nghĩa phong phú bậc nhất (so với từ vựng các nước khác): Đồng bào, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, đồng lòng, đồng hương, đồng cảm, đồng điệu, đồng hành, đồng đội, đồng hao, đồng môn, đồng nghiệp, đồng khởi, đồng diễn, đồng ca…
      Có biết bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau: “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…
      Trong ngày lễ 2-9-1945, Bác Hồ dùng chữ “đồng bào” thật tinh tế, hướng cả dân tộc về nguồn cội tổ tiên đồng lòng nhất trí dựng xây và bảo vệ nước Việt Nam độc lập. Trước đó, năm 1942, Người viết "Lịch sử nước ta" kêu gọi dân ta đoàn kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng:/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Trong tác phẩm này, Người chứng minh và khẳng định chân lý lịch sử: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Đó cũng là chân lý thời đại.
      Hội nghị Diên Hồng nhà Trần khích lệ tướng sĩ đoàn kết như tình cha con quyết đuổi giặc Nguyên Mông hung hãn giành lại non nước cha ông! Thời Lê Lợi-Nguyễn Trãi “tướng sĩ một lòng phụ tử”, ngọt ngào “nước sông chén rượu” mang về độc lập giang sơn!
     Thời đánh Pháp, đuổi Mỹ, cả dân tộc hướng về Bác Hồ, đoàn kết thành một khối vững như dải Trường Sơn làm nên chiến thắng thống nhất đất nước!
      2. Hôm nay, cả dân tộc hướng theo cờ Đảng quang vinh viết bản hùng ca đổi mới, đưa nước nhà tiến bước sánh vai cùng các cường quốc năm châu!

           Nguồn: ST
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son