Tổng số lượt xem trang

CÂU CHUYỆN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI UỐNG RƯỢU, BỊA KHI THAM GIA GIAO THÔNG ĐỪNG "KÊU CA" MÀ HÃY TỰ GIÁC CHẤP HÀNH


     Vừa qua, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ,
đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019. Đã sang đến ngày thứ 04
kể từ khi Nghị định chính thức có hiệu lực (từ 1/1/2020), dư luận cả nước vẫn
đang có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung mới trong Nghị định
quy định về các mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao
thông. Đa phần người dân lên tiếng ủng hộ và nhất trí với việc phải xử lý thật
nghiêm khắc đối với hành vi lái xe tham gia giao thông khi trong người đang có
nồng độ cồn nhất định bằng việc dẫn ra những hậu quả nghiêm trọng về tính
mạng và tài sản do những vụ tai nạn giao thông có yếu tố “ ma men” gây ra.
     Quy định mới sẽ khiến người tham gia giao thông có ý thức hơn, vừa góp phần
giảm thiểu tai nạn giao thông cho chính bản thân họ, vừa giữ an toàn cho những
người xung quanh. Một số nhỏ bày tỏ quan điểm không đồng tình, cho rằng mức
xử phạt là hơi nặng và hoài nghi về hiệu quả tính răn đe của luật bởi văn hóa
uống rượu bia đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam cũng như thói quen tham gia giao
thông khi có cồn trong người. Thậm chí còn cho rằng việc thực hiện những quy
định này sẽ tạo điều kiện để những người thực thi luật pháp có điều kiện để trục
lợi. Tuy nhiên số đông vẫn nghiêng về phía ủng hộ. Vậy, số bất đồng là do đâu?
Đó hẳn là câu chuyện về sự bao biện.

     Năm 2007, số vụ chết do tai nạn giao thông vào khoảng 13200 người. Năm
2008, con số đó giảm xuống còn 11318 người. Trong một năm, tổng số người
chết giảm khoảng 1900 người, tương đương với mức giảm khoảng 14%. Đó là
con số % giảm cao nhất trong 30 năm thống kê chính thức số người chết vì tai
nạn giao thông tại Việt Nam, đến bây giờ, đó vẫn là mức % giảm tuyệt đối cao
nhất.
     Điều gì đã xảy ra vào năm ấy?
     Đó là một trong những bộ luật giao thông đường bộ gây tranh cãi bậc nhất trong
lịch sử tư pháp Việt Nam được áp dụng: Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi
tham gia giao thông trên mọi tuyến đường.
     Người dân đặt ra một câu hỏi rằng: Đây phải chăng là một bộ luật duy ý chí.
Chẳng lẽ đi vài km cũng vác cái mũ bảo hiểm nồi đồng cối đá ra à? Hoặc, người
ta chống chế bằng cách đội mũ không cài quai, đội mũ bảo hiểm thời trang, đến
giờ, những cái mũ mỏng tang vẫn được duy trì trên nhiều con đường, lề phố. Và
rồi, họ nghĩ rằng bộ luật đó ra đời là để công an giao thông thu tiền của dân.
- Tâm lý “Thân ai người nấy lo, không cần lo hộ”.
     Đến giờ, hơn 12 năm từ bộ luật ấy, có thể thấy rằng, thói quen đội mũ bảo hiểm
đã đi sâu vào trong đời sống nhân dân, chúng ta chấp hành tốt hơn, số vụ tai nạn
vì chấn thương sọ não giảm nhiều. Nếu nghĩ về bây giờ và ngày ấy, hẳn những
ai phản đối và chê bai, đều sẽ phải im miệng lại. Có những điều, nó sẽ không có
tác dụng ngay và phải vài năm sau, con người ta mới thấu hiểu được nó. Nhưng,
tính ích kỷ, cá nhân lại khiến cho người ta không nhìn xa được.
Cách đây 4 ngày, những luật mới về phòng chống tác hại của rượu bia được đưa
ra và thực hiện. Về căn bản, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương
tiện giao thông sẽ không được có trong hơi thở một chút nồng độ cồn nào cả,
mức phạt gia tăng gấp nhiều lần.
Và dĩ nhiên, nhiều người phản đối.
     Kênh QPVN làm một phóng sự ngắn về việc ăn vải và kiểm tra nồng độ cồn và
họ nói rằng cần phải xem xét lại về bộ luật này. Nhưng mình khá thất vọng, vì
thay vì các phóng viên làm việc theo kiểu "thầy bói xem hoa", họ có thể căn cứ
vào luận cứ khoa học hoặc đọc kĩ các văn bản hướng dẫn pháp luật.
Về cơ bản, không phải cứ đo là đã có kết luận bạn bị phạt, bạn có thể trình diện
lý do giải thích nồng độ cồn tăng cao và xin đo nhiều hơn 2 lần, rồi CSGT sẽ
căn cứ để phạt bạn và dĩ nhiên, bạn có thể xin thổi phạt lại sau 10 - 15 phút sau
lần đầu tiên. Sau khi ăn hoa quả tầm chục phút là nồng độ cồn đã không còn nữa
rồi, còn nếu uống rượu bia thì có cả đêm cũng không hết. Điều này chắc nếu bạn
nào uống rượu bia rồi thì biết, đúng không? Thêm nữa, đang điều khiển giao
thông mà mồm bóc vải hoặc được người ta đút thì cũng vi phạm luật an toàn
giao thông luôn rồi. Làm một phóng sự sai quá là sai.
Còn về việc CSGT tiêu cực, có bao giờ bản thân bạn tự nhủ nguyên nhân chính
của những biểu hiện tiêu cực là do đâu, nếu bạn chấp hành đầy đủ luật an toàn
giao thông, liệu có CSGT nào đụng đến bạn không? Chắc chắn là không. Chính
tâm lý “xin – cho” muôn thuở mới là căn nguyên đưa đến vấn đề nhức nhối này.
Nếu bạn không “xin”, thì cũng chẳng ai “cho” cả, nhất là trong thời buổi công
nghệ hiện đại bùng nổ như hiện nay, các thiết bị quay phim, ghi hình nhản nhản
ngoài thị trường, rủi ro bị phát hiện gian lận là rất lớn. Chẳng ai dại đến nỗi liều
mình đánh đổi cả sự nghiệp để nhận lấy mấy đồng nộp phạt đâu. Vì vậy, trước
tiên, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông,
điều đó trước tiên giúp bạn an toàn, sau đó giúp người khác an toàn.
     Còn một việc nữa, nếu đã sai thì nên tự giác nhận lỗi và sửa sai, đừng lên mạng
chửi CSGT, hành động này lố bịch lắm.
     Người Việt thường giỏi chống chế, bao biện. Ngay từ bé, đứa trẻ con bị ngã thì
không phải là do lỗi của nó mà do hòn đá, cái chổi, con chó và cũng hiếm khi
tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng của sự việc. Vì thế, người Việt vẫn dễ bị dắt
mũi bởi báo lá cải, mấy mụ bán hàng online, mấy thanh niên "phục cuốc" và một
số nhà báo vô lương tâm và thiếu kiến thức.
     Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm ra đời, người ta còn không thèm cài quai và biện
minh rằng: Họ có đội nhưng quên không cài quai, luật không ghi rõ, ráng chịu,
đừng lấy cớ và phạt họ. Rồi chuyện vứt rác ra đường, đó là luật đúng và chẳng
có ai bàn cãi và phản đối cả, nhưng họ vẫn vứt rác và vẫn đổ lỗi.
Chắc mấy cái luật nó chừa mình ra - Họ nghĩ
Nhưng rất tiếc, có cái lại không chừa cho ai cả - đó là bản án chí mạng của tử
thần.
     Người Việt hãy tập cho mình thói quen đi ăn nhậu say xỉn thì nên nhờ người
khác đưa về. Có thể nhờ người thân hoặc bạn bè, nếu không được thì hãy gọi
cho taxi. Việc bỏ ra vài đồng taxi hẳn sẽ không hề hấn gì với số tiền mỗi buổi ăn
nhậu đâu.
     Tóm lại, chẳng có gì là hoàn hảo ngay từ đầu cả. Luật pháp được sinh ra với
mục đích điều chỉnh xã hội nhưng cũng từ bất cập của xã hội để có cơ sở luật
pháp. Có quá nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra do rượu bia rồi
nên chúng ta hãy ngừng kêu ca, ngừng ngụy biện và hãy nghiêm chỉnh thực
hiện. Uống rượu bia thì không ai cấm nhưng đã có cồn trong người thì đừng cầm
tay lái. Hãy vì bản thân và vì những con người vô tội xung quanh. Thời chiến
tranh người Việt đã đổ máu quá nhiều, không lẽ hòa bình rồi máu vẫn cò tiếp tục
đổ xuống nữa sao!

(tác giả: Thảo Mạnh)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son