Đó là một câu nói vui trong thời điểm chống dịch Covid-19, nhưng cũng có thể coi là một khẩu hiệu sau Chỉ thị số 16 của Thủ tướng mới được ban hành. Cách ly không khó, nhưng cần ý thức.
“Cách ly xã hội” đây là cụm từ rất phổ biến trong những ngày vừa qua, khi diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam đang trở nên ngày một phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh vượt 200 người vào cuối tháng 3.
Ở nhiều quốc gia, “social distancing” (giãn cách xã hội) được xem là một trong những yếu tố quyết định để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Do đây là loại virus “siêu lây nhiễm” và lan rộng do quá trình di chuyển, “tiếp xúc gần” giữa người với người trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp, nên để chặn sự lây lan của dịch thì điều quan trọng nhất là phải duy trì khoảng cách giữa các cá nhân trong cộng đồng xã hội.
Chính bởi vậy, ngay khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành với yêu cầu thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020, đông đảo người dân trong cả nước đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.
Việc cách ly thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Lưu ý rằng đây chưa phải là lệnh phong toả, nhưng những biện pháp mạnh mà đích thân Thủ tướng đưa ra cho thấy sự nghiêm trọng của tình trạng dịch bệnh ở đất nước ta, để không ai được phép chủ quan, lơ là.
“Cách ly xã hội” không có nghĩa là đóng băng mọi hoạt động. Các đơn vị vẫn có thể ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; trường hợp cần thiết vẫn hoạt động ở công sở. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng thiết yếu cũng không đóng cửa. Người dân vẫn có thể mua bán bình thường, không cần mua tranh bán cướp, không nhất thiết tích trữ.
Điều quan trọng là cần “hạn chế di chuyển” và phải “giữ khoảng cách”!
Dù tất cả những điều này dựa trên tinh thần “tự giác” của người dân, không “cấm” nhưng Chỉ thị của Thủ tướng là cơ hội để mỗi người thể hiện trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và với xã hội. Đó là trách nhiệm công dân, nhưng cũng là thái độ sống, là ý thức làm người.
“Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại”.
“Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước” - Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu rất rõ như vậy.
Dịch bệnh không chừa ai, nên đừng có đùa với virus! Đừng buông thả, đổi lấy sự tự do, thoải mái trong chốc lát để rồi nhiễm bệnh, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Và như Thủ tướng đã nhấn mạnh, 2 tuần tới là “thời điểm vàng” quyết định thành công hay không trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong khi ở tuyến đầu, các y bác sĩ, các chiến sĩ đang mất ăn mất ngủ, gồng mình chống dịch thì việc của mỗi người dân đơn giản chỉ là hạn chế tối đa đi lại. “Hai tuần cách ly, cả đời hạnh phúc!”.
ConversionConversion EmoticonEmoticon