Ngày 16/10/1973 ông Lê Đức Thọ được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger nhưng ông đã từ chối nhận giải với lý do đất nước Việt Nam chưa thể có được hòa bình chừng nào chưa đánh đổ được chế độ tay sai của Mỹ. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.
Tháng 6-1968, ông Lê Đức Thọ (cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris) đến Paris, bắt đầu những chuỗi ngày đàm phán cam go và căng thẳng. Ông phải đối đầu trực diện với Henry Kissinger – một nhân vật ngoại giao tầm cỡ và có rất nhiều thủ đoạn ngoại giao, được mệnh danh là “cây đại vĩ cầm về địa – chính trị” của Mỹ. Kể từ đây, ông Lê Đức Thọ trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và được cả thế giới biết đến.
Lê Đức Thọ và Kissinger thường “ăn miếng trả miếng”, tranh cãi tay đôi để bảo vệ lập trường, quan điểm của mỗi bên. Với những nhân chứng từng tham gia đàm phán, Lê Đức Thọ là một nhà chiến lược tài ba, sắc sảo và rất quyết liệt, kiên trì trong việc bảo vệ lập trường của ta. Thêm vào đó, chính nghĩa thuộc về cuộc kháng chiến của quân dân ta nên Mỹ và Kissinger dù dùng nhiều thủ đoạn quân sự và ngoại giao khác nhau cũng không thể giành được “hòa bình trong danh dự” như họ mong đợi.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ – thành viên phái đoàn VNDCCH tại Paris, kể có những buổi họp hai bên trao đổi lý lẽ, lập luận tương đối điềm tĩnh. Nhưng có những ngày không khí rất căng thẳng, thậm chí có cả chuyện đập bàn, đập ghế. Ông Thái kể: “Một lần, Kissinger nói: “Ông Thọ này, nếu các ông cứng như thế này thì có lẽ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, bom đạn sẽ còn tiếp tục rơi ở miền Bắc”. Nghe vậy ông Thọ “phang” ngay: “Tôi xin ngắt lời ông. Có phải tôi với các ông mới đánh nhau hôm qua đâu. Tôi với các ông đánh nhau bốn, năm năm rồi. Bom đạn rơi bốn, năm năm rồi. Các ông đem bom đạn ra dọa tôi hôm nay không được đâu!”
Có giai thoại Lê Đức Thọ đã “mắng” Kissinger như sau:
Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán bốn bên tại Paris được nối lại sau trận “Điện Biên Phủ trên không”, sau khi Mỹ xoay ngược những gì đã thỏa thuận khiến hiệp định ngày 20/10/1972 không thể ký kết được. Trở lại Paris với tư cách là người chiến thắng, ông Lê Đức Thọ đề nghị cả đoàn VNDCCH không ra cửa đón đoàn Mỹ.
Chưa bao giờ người ta thấy cố vấn Lê Đức Thọ nổi nóng như buổi sáng hôm đó. Ông trút hàng loạt những từ như “lừa dối”, “ngu xuẩn”, “tráo trở”, “lật lọng”… lên đầu ông Kissinger, khiến ông này không nói được gì cả. Mãi sau ông ta mới nhỏ nhẹ đề nghị cố vấn Lê Đức Thọ hãy nói khe khẽ thôi, không các nhà báo bên ngoài nghe thấy lại đưa tin là ông đã mắng người Mỹ. Nhưng ông Lê Đức Thọ vẫn không buông tha: “Đó là tôi chỉ mới nói một phần, chứ còn các nhà báo họ còn dùng nhiều từ nặng hơn nữa kia!”.
Lần khác, ông Kissinger lại hỏi: “Bây giờ ông cố vấn đàm phán với tôi nói như mắng tôi. Thế còn sau này kết thúc đàm phán, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình rồi thì ông cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?”. Cố vấn Lê Đức Thọ điềm nhiên: “Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt lật lọng tráo trở đâu mà tôi phải mắng!”.
Trong các cuốn hồi ký, ông Henry Kissinger từng nhiều lần nhắc đến đối thủ của mình trên bàn đàm phán là cố vấn đặc biệt của phái đoàn VNDCCH Lê Đức Thọ. Ông này thừa nhận Lê Đức Thọ là người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo. Ông nhớ như in giây phút đầu tiên gặp nhà ngoại giao Việt Nam ngày 21/2/1970. Ông miêu tả Lê Đức Thọ có mái tóc hoa râm, dáng vóc đường bệ, bao giờ cũng mặc bộ đại cán, đôi mắt mở to và sáng, ít khi để lộ suy nghĩ. Nhưng có một chi tiết mà không bao giờ thấy ông Kissinger nhắc đến trong hồi ký là chiếc nhẫn sáng bóng mà cố vấn Lê Đức Thọ luôn đeo trong mỗi lần thương thảo. Đơn giản, nó là chiếc nhẫn được gò từ mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam.
Lấy ý tưởng từ Tam quốc chí, giới báo chí phương Tây đã ví von ngắn gọn về cuộc đối đầu đặc biệt này, rằng: “Trời đã sinh Kissinger sao còn sinh thêm Lê Đức Thọ”. Còn người trong cuộc, TS Henry Kissinger, hơn 30 năm sau đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”…
ConversionConversion EmoticonEmoticon