Đến năm 2050, theo nhiều nghiên cứu hay báo cáo của PwC, ANZ, WorldBank, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Tổng GDP ước tính 3000 tỷ USD, GDP đầu người tiệm cận con số 25.000 – 28.000 USD. Dự báo này cũng cho biết, PPP của chúng ta sẽ vượt Thái Lan, Philippines. Tổng GDP cũng được dự báo sẽ vượt Canada, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy…
Đọc đến đây, mình nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng sẽ lâng lâng, nghèn nghẹn…
Nhưng đến những năm 2050 ấy, chúng ta mới chỉ phát triển bằng Hàn Quốc những năm 2010, Nhật Bản những năm 1990. Dĩ nhiên là dựa về mặt số liệu. Các bạn sẽ lại có chút buồn nhẹ, chúng ta vẫn đi sau họ quá dài, phải không?
Đó có lẽ cũng là tâm lý của người Hàn khi nhìn sang nước Nhật, cũng là tâm lý của người Trung Quốc khi ngó sang bờ bên kia Thái Bình Dương nhìn Hoa Kỳ.
Nhưng sau mấy mươi năm ấy, người Hàn đã có cuộc chơi sòng phẳng trước người Nhật, người Trung Quốc đã ngẩng đầu sòng phẳng trong cuộc chiến phi b.ạ.o l.ự.c với Mỹ. Chỉ cần thay đổi tâm thế, vị trí cũng thay đổi.
Con người ta sống và chiến đấu vì những giấc mơ.
Thế kỷ trước, chúng ta có một giấc mơ đập tan á.c.h thực dân hơn mấy mươi năm. Rồi sau đó, chúng ta mơ tiếp một giấc mơ thống nhất. Và bây giờ, chúng ta mơ một ngày Việt Nam ghi đấu trên bản đồ thương trường thế giới.
Còn hơn 30 năm, cho những giấc mơ lớn ấy.
Việt Nam hòa bình đã được bao lâu, 30 năm chứ bao nhiêu.
Mình đến Hàn Quốc vào năm 2017, mình thấy khá nhiều các cô, các bác già, người thấp bé vẫn còn lao động rất vất vả ở các quán ăn, nhà hàng. Nếu bạn nào hay xem phim Hàn Quốc, sẽ thấy nhiều ảnh các cô, các bác già cả, làm những công việc rất đơn giản và chủ yếu là chân tay ở trong các quán xá. Mình ít thấy điều đó ở Việt Nam, ít thấy chứ không phải không thấy.
Những con người thầm lặng ấy đã sống trong thời kỳ kinh tế Hàn Quốc leo lên đỉnh dốc, bứt lên dần khỏi cái bóng của người anh em bên kia bờ biển: Nhật Bản. Những con người bé nhỏ, gầy còm đó đã khiến GDP Hàn Quốc tăng gấp 25 lần chỉ trong 25 năm từ 1980 đến 2005. Một giáo sư người Hàn đến thuyết giảng tại Đại học KHXHNV, ĐH Quốc gia Hà Nội nói rằng, người Hàn Quốc trở nên cao lớn hơn, kinh tế phát triển hơn, trở thành những người “khổng lồ kinh tế” từ đôi vai những con người bé nhỏ ấy.
30 năm sau, Việt Nam có thể sẽ tiếp bước Hàn Quốc bây giờ.
30 năm, là tổng số thời gian làm việc cơ bản của một con người.
9x và 0x bây giờ, có lẽ chúng ta đang bắt đầu đi vào con đường mà những người Hàn Quốc những năm 70 – 80 thế kỷ trước đã đi. 30 năm sau, Việt Nam có thể trở thành được như trong các dự báo kinh tế vĩ mô của các thống kê định chế tài chính hay không thì không ai biết chắc. Nhưng việc hướng đến một cột mốc vĩ đại sẽ tạo ra những con người vĩ đại.
Chúng ta mất ngót 30 năm để đánh bại Pháp và Mỹ, đem lại thống nhất và hòa bình tuyệt đối cho dân tộc. Khoảng thời gian 30 năm vừa anh hùng, vừa bi tráng, vừa ai oán, 30 năm đó là biết bao những lớp người tinh hoa đã ra đi. Những thế hệ ấy đã chịu chấp nhận ngã xuống cho những thế hệ tinh hoa tương lai.
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ở đập thủy điện Hòa Bình, dưới lớp bê tông 10 tấn là bức thư gửi thế hệ 2100. Nhưng năm 2100 lại ở tương lai xa quá, thật đấy, những người đọc dòng viết này của mình, được mấy ai đợt đến năm 2100 để đọc những dòng ấy (cười).
Chúng ta cần thêm 30 năm nữa, để Việt Nam có thể đường hoàng ghi danh vào vũ đài kinh tế thế giới, để cụm từ “Vietnam War” không còn là dấu ấn mỗi khi người ta nghĩ đến Việt Nam. Chúng ta cần thêm 30 năm nữa, để những thế hệ người trẻ hiện nay làm đất nước trở lên vĩ đại thêm một lần nữa. Và chúng ta cần thêm 30 năm nữa, để già đi và để ngắm nhìn Việt Nam ngày một trưởng thành./.
ConversionConversion EmoticonEmoticon