Tổng số lượt xem trang

Luận bàn về “hành quan”

Từ một ý nghĩa tích cực, mong muốn “một người làm quan cả họ được nhờ” của ông cha ta là tìm được người tài đức để chở che cho dòng họ, xóm làng thì giờ đây, quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” đã bị biến tướng với ý nghĩa tiêu cực.

Nó trở thành một đòi hỏi rất vô lý, tạo sức ép khiến không ít cán bộ thiếu bản lĩnh đã sa ngã, cố tình làm sai để ưu ái người thân, dẫn đến hiện tượng “cả họ làm quan”… Tư tưởng “hành quan” này rất đáng phê phán.

 Lâu nay người ta thường chỉ nói đến chuyện “quan hành dân”, đó là việc một số cán bộ, công chức cố tình gây khó khăn cho người dân khi giải quyết công vụ. Nhưng ở chiều ngược lại, chuyện “hành quan” lại đang khá phổ biến trong xã hội. Đó chính là những đòi hỏi, nhờ vả của người thân, dòng họ, làng xóm, quê hương… đối với những cán bộ giữ cương vị công tác quan trọng.

Vì những lý do tế nhị mà áp lực “hành quan” ít được chia sẻ, ít được nói ra. Đó là suy nghĩ rất phổ biến nhưng thật tiêu cực: Anh sinh ra và lớn lên ở đâu thì sau này, nếu trở thành cán bộ sẽ phải quan tâm, ưu ái đến gia đình, dòng họ, làng, xã mình. Cán bộ cấp càng cao thì “trách nhiệm” này càng lớn để gia đình, dòng họ, làng xóm được “nở mày nở mặt”. Từ chuyện đóng góp kinh phí hơn người, đến lo công việc, cất nhắc người thân quen…

Rồi chuyện làng, xã kỳ vọng đồng chí cán bộ ấy phải đóng góp cho quê hương, nhẹ thì ủng hộ làm đường làng, đường xóm, góp quỹ, tạo việc làm cho người trong làng, xã; đòi hỏi hơn nữa thì phải đưa về quê một vài dự án, công trình, dù trên thực tế, những công trình, dự án ấy chưa cần thiết, không phù hợp điều kiện, tiềm năng địa phương. Không ít bài học về kiểu ưu ái đầu tư không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương dẫn đến các dự án không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, làm mất cơ hội phát triển của địa phương khác.

Cũng một suy nghĩ khá tiêu cực đang tồn tại, đó là mặc nhiên cán bộ có chức vụ, giữ cương vị càng cao thì đương nhiên là nhiều tiền, nhiều nhà nên phải có trách nhiệm “chia sẻ”, giúp đỡ người thân. Không chỉ thế, trong nhiều trường hợp, cán bộ giữ vị trí quan trọng còn bị người thân quen mượn oai, mượn danh để thị uy, dọa dẫm người khác. Trên thực tế, không phải đồng chí “cán bộ to” nào cũng có nhiều tiền, nhiều nhà, cũng “một tay che khuất bầu trời” bởi họ làm việc vô tư, trong sáng, đúng nguyên tắc, không tham nhũng, tiêu cực. Nhiều khi, chính những áp lực, nhờ vả của những người thân quen khiến cán bộ làm sai, lạm dụng quyền lực được giao. Rất nhiều cán bộ khi bị xử lý kỷ luật mới lộ ra khoảng tối đó.

Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “cả họ làm quan”. Tư tưởng này xuất hiện từ xa xưa và tiếp tục chi phối rất lớn trong công tác, trong đời sống của không ít cán bộ hiện nay. Đây cũng là một trong những bất công, rất phi lý và đối lập với mục tiêu mà chế độ xã hội chủ nghĩa của dân tộc ta hướng tới: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sớm nhìn nhận thấu đáo vấn đề này, ngay sau khi cách mạng thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Tư túng-kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Cảnh báo của Bác đến nay vẫn nguyên tính thời sự.

Lý giải về quan niệm và áp lực “một người làm quan cả họ được nhờ”, luật gia Nguyễn Thành Minh, người có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam, cho rằng: “Tư tưởng này đã ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của người Việt, xuất hiện trong thời kỳ phong kiến. Bởi khi đó quan hệ cộng đồng, dòng họ và bộ máy tổ chức nhà nước với đơn vị làng, xã làm nòng cốt. Mọi luật lệ, quy định cũng phải gắn hoặc xuất phát từ làng, xã, bị chi phối rất mạnh bởi tính cố kết cộng đồng mà dòng họ giữ vai trò chủ đạo”.

Rộng hơn nữa có thể thấy, dân tộc Việt là một dân tộc trọng tri thức, trọng danh nên chúng ta luôn quan niệm “con hơn cha là nhà có phúc”, “làm quan phát tài”. Quan niệm này về bản chất là tích cực, là động lực để mọi người đều phải phấn đấu, thế hệ sau phải phấn đấu vượt thế hệ trước. Tuy vậy, mặt trái của nó chính là tâm lý ăn thua nên nhiều người muốn đạt được bằng mọi cách.

Vì quá nặng về việc phải đạt được điều đó đã dẫn tới sự cục bộ lợi ích trong gia đình, dòng họ. Câu chuyện về bổ nhiệm cán bộ của tỉnh Bắc Ninh gây bức xúc dư luận mới đây bộc lõ rõ kiểu suy nghĩ này. Trước đó, một số địa phương cũng có tình trạng ưu ái bổ nhiệm người thân, dẫn tới hiện tượng “cả họ làm quan”, “gia đình trị”, khiến dư luận rất bức xúc.

Sức ép từ quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” khiến không ít cán bộ, trong đó có những cán bộ giữ vị trí quan trọng “ngã ngựa”. Đó là một sức ép vô hình nhưng rất nặng nề. Cùng với việc cố tình làm sai để trục lợi, thì việc vì phải cố gắng lo cho người thân, người quen mà nhiều cán bộ sinh ra cục bộ, thu vén lợi ích cá nhân, bỏ qua mọi nguyên tắc, quy chế trong công việc, chuyên quyền độc đoán, thậm chí tha hóa, biến chất.

Vì sao một cán bộ như Nguyễn Xuân Anh, khi là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ trong một thời gian ngắn đã để xảy ra hàng loạt sai phạm rất nghiêm trọng? Nhiều cán bộ được chính người thân bổ nhiệm theo kiểu “đốt cháy giai đoạn”, “vô nguyên tắc”, “lách luật” cũng chỉ một thời gian ngắn đã bộc lộ hàng loạt hạn chế, thậm chí sai phạm phải xử lý rất nặng.

Từ mối quan hệ biện chứng, điều này được lý giải: Những cán bộ “non, yếu” mà được ưu ái trao quyền lực lớn (nhất là người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương), lại có “ô” nâng đỡ, dựa dẫm thì rất dễ “cậy thế”, tha hóa, bất chấp tất cả, sẵn sàng làm trái nguyên tắc. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.

Từ chuyện “cả họ làm quan” sẽ dẫn đến “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”. Đây là vấn đề tiêu cực đang là trở lực lớn kéo lùi sự phát triển, nguy cơ phá hỏng thượng tầng kiến trúc, chế độ xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; khiến dư luận bất bình.

Thực tế không phải cán bộ nào cũng đồng tình với quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay bị gục ngã bởi chuyện “hành quan”. Rất nhiều cán bộ cấp cao đã thể hiện tấm gương sáng về sự liêm chính, giữ mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ra, không ít đồng chí lãnh đạo đã gương mẫu hy sinh lợi ích riêng, đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc với con cái, người thân của mình để họ được rèn luyện, trưởng thành mà không phải do sự ưu ái, nâng đỡ trái nguyên tắc, thiếu công tâm.

Có vị tướng quyền cao, chức trọng nhưng vẫn gương mẫu không can thiệp vào tổ chức, thậm chí còn yêu cầu con trai mình ra chiến trường, dù trường hợp này có thể được miễn; hay nhiều cán bộ cấp cao vẫn đưa con đến những nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện… Xa hơn chúng ta gần nửa bán cầu, trong cuộc chiến chống phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô, con trai của Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân Liên Xô-Đại nguyên soái I.V.Xtalin-là một chiến sĩ Hồng quân xông pha ngoài mặt trận.

Khi anh bị bắt giam trong trại tập trung của phát xít Đức, lãnh tụ Xô Viết đã từ chối không đổi Thống chế Paolus (của phát xít Đức) bị Hồng quân bắt làm tù binh để lấy lại con trai của mình. Xtalin đã nói một câu bất hủ: “Tôi không đổi một nguyên soái lấy một người lính”. Hành động ấy đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để Hồng quân Liên Xô giành chiến thắng.

Để ngăn chặn hiện tượng “cả họ làm quan”, việc rất quan trọng là phải đấu tranh phê phán tư tưởng tiêu cực “một người làm quan cả họ được nhờ”, loại bỏ những kiểu “hành quan” như đã nêu trên. Bên cạnh đó, cần rà soát, ban hành chặt chẽ các quy chế, quy định trong thực hành công vụ, nhất là trong công tác cán bộ để không thể cố tình ưu ái người thân quen, người không xứng đáng.

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, đặc biệt coi trọng và đang từng bước thắt chặt mọi lỗ hổng trong quy trình công tác cán bộ bằng việc ban hành nhiều quy định cũng như thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước trong phát hiện và xử lý sai phạm.

Một xã hội văn minh không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi vô lý như chuyện “làm quan thì phải ưu ái lo cho họ hàng, người quen”. Do đó, chuyện “hành quan”, “hành cán bộ” cần phải nghiêm túc loại bỏ. Đất nước, chế độ sẽ ra sao nếu đồng chí lãnh đạo nào cũng lo vun vén, kéo lợi ích cho gia đình, dòng họ của mình? Điều hiển nhiên nhìn thấy nhất đó là sự bất công, làm thui chột động lực phấn đấu của người khác. Dân chủ, công bằng, văn minh là khát khao của mọi người và nó cũng là xu hướng tiến bộ xã hội.

Áp lực “hành quan” – khoảng tối dưới chân đèn

Nguồn: NGUYỄN HÀ MY

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son