Từ khi có internet và mạng xã hội, “nấm độc thông tin” giả, thông tin bịa đặt càng có cơ hội bùng phát gắn với thuyết âm mưu.
Thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin giả đang từng ngày, từng giờ lan tràn trên internet và mạng xã hội. Đằng sau sự tán phát thông tin ấy, có không ít sự việc được đơm đặt, dựng chuyện bởi những kẻ thực hiện các “thuyết âm mưu”.
Vậy mà thật đáng tiếc, vẫn có một số người do thiếu hiểu biết hoặc suy nghĩ chủ quan, đơn giản vô hình trung tiếp tay cho những “nấm độc thông tin” nguy hiểm ấy…
Đằng sau thông tin bịa đặt thường là các thuyết âm mưu
“Thuyết âm mưu” là cụm từ từng được nhắc đến trên truyền thông thế giới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong cuốn sách “Thuyết âm mưu ở nước Mỹ” của giáo sư Trường Đại học bang Florida, Lance deHaven-Smith, ông cho rằng CIA đã tạo ra cụm từ “Thuyết âm mưu” vào thập niên 1960 liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy vào năm 1963.
Bản chất của thuyết âm mưu chính là tung ra các thông tin bịa đặt, xuyên tạc để gây hoang mang dư luận, khiến dư luận xã hội hiểu sai về một sự vật, hiện tượng nào đó. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều sự kiện được coi là gắn với thuyết âm mưu, như “tai nạn xe hơi dẫn đến cái chết của công nương Diana là do Hoàng gia Anh thực hiện”; “tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng chỉ là trò giả mạo của Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô trong cuộc đua lên Mặt Trăng”…
Từ khi có internet và mạng xã hội, “nấm độc thông tin” giả, thông tin bịa đặt càng có cơ hội bùng phát gắn với thuyết âm mưu. Cách đây 3 ngày, ngay sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, đã xuất hiện hàng loạt thuyết âm mưu, như: Tổng thống Pháp cho đốt nhà thờ để đổ thừa cho phe biểu tình Áo vàng. Chỉ vài phút sau khi đám cháy bùng phát, đài Fox News của Mỹ đã phỏng vấn một người tự xưng là “quan chức dân cử Pháp” và ông này đã gọi vụ hỏa hoạn là “sự kiện 11-9 của nước Pháp”. Một tài khoản Twitter có hơn 110.000 người theo dõi loan tin Tổng thống Pháp “có thể đã cho đốt Nhà thờ Đức Bà Paris để làm tệ hại thêm hình ảnh của những người biểu tình Áo vàng”.
Mạng xã hội Youtube có sai sót tiếp tay cho thuyết âm mưu khi thuật toán tạo ra đường dẫn clip đến vụ tấn công ngày 11-9 ở Mỹ. Song Youtube đã sửa sai, xóa bài viết ngay sau khi nhận được những phàn nàn về việc trang mạng này gán vụ cháy với một sự kiện khủng bố. Lúc này, sự thật được phơi bày khi Philippe Karsenty-“quan chức dân cử Pháp” được Fox News trích dẫn, thực chất lại chỉ là một chuyên gia truyền thông chuyên “chém gió” về các thuyết âm mưu. Cách đây 6 năm, ông này từng bị phạt 7.000 euro vì vu khống một đài truyền hình Pháp.
Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng xuất hiện rất nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc được cho là gắn với những âm mưu đen tối. Trong đó, tung thông tin sai sự thật về sức khỏe, đời tư, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thủ đoạn thường được kẻ xấu sử dụng. Các đối tượng như: Lê Nguyễn Hương Trà, Bùi Thanh Hiếu, các trang mạng của tổ chức Việt Tân, Đài Á châu tự do, BBC Việt ngữ, thoibao.de… thường xuyên đăng tải, tán phát thông tin xuyên tạc về lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thông tin xuyên tạc bịa đặt được chúng thêu dệt có rất nhiều loại như: Bịa đặt tin xấu về các chuyến công tác nước ngoài khiến dư luận hiểu sai về uy tín lãnh đạo trong quan hệ đối ngoại; bịa đặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước “ăn tiền” nên không xử lý nghiêm minh sự cố môi trường biển miền Trung; đơm đặt các cuộc đấu đá, thanh trừng phe nhóm khi Đảng ta đẩy mạnh đấu tranh với nạn tham nhũng…
Gần đây chúng thường tung ra nhiều thông tin xuyên tạc về sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng ác tâm “gắp lửa bỏ tay người”, bịa đặt trắng trợn, song lại cố tình tỏ ra thạo tin kể tường tận như đang tường thuật diễn biến một số vụ việc, trong khi thực chất là hoàn toàn bịa đặt, đoán mò, gán ghép theo kiểu cóp nhặt… Chúng dựng ra chuyện nhóm này, nhóm kia hãm hại… song thực tế chúng không hề có mặt ở nơi xảy ra sự việc, thông tin chỉ dựa theo các trang mạng, từ Facebook cá nhân một vài đối tượng xấu để bịa đặt, suy diễn, kích động làm “nóng” tình hình.
Những thông tin như vậy không đơn thuần kích động sự hiếu kỳ mà gắn với việc đơm đặt về mâu thuẫn, đấu đá nội bộ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo. Đương nhiên là ánh sáng sự thật sẽ xua tan những thông tin đen tối. Song với một số đối tượng, chúng cố tình lợi dụng tán phát thông tin bịa đặt về lãnh đạo Đảng, Nhà nước không đơn thuần chỉ vì động cơ chính trị mà còn nhằm mục đích dựa vào đó để câu “like”, nổi tiếng, để kiếm tiền trên sự gia tăng các lượt xem, bình luận, chia sẻ từ mạng xã hội.
Không tạo kẽ hở
Đáng tiếc là trước những thông tin và âm mưu đen tối ấy, một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên lại thích hiếu kỳ, chia sẻ, bình luận để câu “like”. Trong các sự việc thông tin bịa đặt vừa qua, một số cựu chiến binh đã bức xúc phản ảnh tới Báo Quân đội nhân dân hiện tượng có cả nhà báo thường xuyên viết bài trên trang cá nhân với hàm ý nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; có những bài viết với lời lẽ thiếu khiêm tốn, “té nước theo mưa” cùng những thông tin xuyên tạc; không đúng với chuẩn mực đạo đức của người làm báo…
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó biểu hiện thứ 4: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Cũng tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta nhận định, thời gian qua chúng ta: “Chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”. Có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến những “nấm độc thông tin” vẫn có đất nảy nở, tán phát. Do đó, bịt chặt các kẽ hở, không để bị lợi dụng là việc cần làm ngay để đấu tranh có hiệu quả với “nấm độc thông tin” và “thuyết âm mưu” đen tối.
Xử lý nghiêm minh cả về pháp lý và đạo lý
Báo Quân đội nhân dân đã nhiều lần có những bài viết phê phán hiện tượng tung thông tin bịa đặt về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Các ý kiến phản hồi về tòa soạn từ các cựu chiến binh, lão thành cách mạng, các tướng lĩnh và những người có uy tín đều cho rằng đó là hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý.
Về pháp lý, hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì quy định, nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Điều 8 của Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm nêu rõ nghiêm cấm việc: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.
Nhiều nước trên thế giới gần đây đã có biện pháp xử phạt rất nặng hành vi lợi dụng internet truyền bá thông tin gây hại cho cộng đồng. Tháng 9-2016, Báo The Huffington Post (Mỹ) đã đuổi việc một phóng viên vì người này viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ-bà Hillary Clinton. Chính phủ Đức yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ mạng xã hội thành lập văn phòng phản ứng ngay trong vòng 24 giờ khi có phản ánh về phát ngôn cực đoan hoặc thông tin bịa đặt, các công ty này sẽ phải nộp phạt 500.000 euro cho mỗi lần không thực hiện xử lý thông tin. Trung Quốc từng bắt giam 9 người vì “bịa rồi tán phát tin đồn” vu cáo sĩ quan quân đội cùng binh sĩ tham gia biểu tình.
Ở Việt Nam, hiện nay các quy định pháp luật để quản lý và xử lý thông tin trên internet ngày càng được hoàn thiện. Vừa qua, một số đối tượng đã bị xử lý theo pháp luật như vụ Nguyễn Chí Khương (trú tại Bến Tre) quay và đăng tải lên Facebook đoạn clip bịa đặt “đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre” nhưng thực chất là đoàn xe tham gia diễn tập khu vực phòng thủ; vụ đối tượng Nguyễn Danh Dũng (trú tại TP Thanh Hóa), là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn TV” xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Cơ quan chức năng cũng đã từng bắt giam và xử lý đối tượng Hồ Văn Hải, kẻ tạo lập, quản trị, điều hành blog “BS Hồ Hải”, Facebook “Hồ Hải”, tung một số bài viết rồi trích dẫn bình luận, mục đích nhằm quy chụp, hướng lái người đọc hiểu sai vụ việc, bôi nhọ, công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kêu gọi phá hoại kinh tế Việt Nam, tẩy chay bầu cử Quốc hội, kích động biểu tình… Hiện nay, bằng sự chủ động vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, các mạng xã hội Facebook và Youtube đã tích cực hợp tác, tháo gỡ thông tin xuyên tạc, bịa đặt bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do: Theo thông lệ quốc tế, nhà chức trách sẽ buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm tra, xử lý các hành động nói sai sự thật, xúc phạm danh dự. Đây là vấn đề về quyền con người.
Nhưng các vụ việc được xử lý nghiêm chưa nhiều; còn nhiều trường hợp vi phạm vẫn nhởn nhơ thách thức pháp luật. Dư luận mong chờ và kiến nghị các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan pháp luật phải mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm minh các đối tượng đơm đặt, tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Phải nhanh chóng sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt, quy trách nhiệm tới cùng đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho cộng đồng.
Về mặt đạo lý, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, thậm chí táng tận lương tâm đến mức bịa đặt cả cái chết của lãnh đạo là hành vi vô đạo đức, không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. Nó phải bị phê phán, đấu tranh bằng dư luận tiến bộ, lương tâm và đạo lý con người. Đã từng có những vụ tung tin giả về sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước bị bóc trần sự thật và những kẻ “gieo gió” đã phải gánh chịu “búa rìu” dư luận.
Vì vậy, với mỗi cán bộ, đảng viên, trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, luôn là người biết gạn đục khơi trong, không bị tác động, ảnh hưởng bởi những thông tin đó. Hơn thế nữa, phải có được sự miễn dịch với thông tin xấu, không chia sẻ, bình luận để tiếp tay cho thông tin xấu. Với trách nhiệm cán bộ, đảng viên, phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không tin theo thông tin xuyên tạc, bịa đặt, đấu tranh, phê phán với những kẻ tán phát thông tin xấu. Còn với mỗi người dân, chúng ta đã dần quen với thông tin bịa đặt vì chúng xuất hiện khá nhiều lần, với những thủ đoạn quen thuộc nên cần hình thành thói quen ứng xử “nói không” với chúng. Hành vi phi đạo đức phải được đấu tranh bằng chuẩn mực đạo đức xã hội, phê phán, lên án để đẩy lùi thông tin xấu từ mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội. Hãy là những người sử dụng internet và mạng xã hội thông minh để cô lập, loại bỏ thông tin “rác” khỏi cuộc sống của chúng ta./.
ConversionConversion EmoticonEmoticon