Tổng số lượt xem trang

“Nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết với các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”

 Đây là nhận định của đại diện Ban Dân vận Trung ương khi nói về kết quả bước đầu các hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trao đổi với phóng viên về kết quả bước đầu các hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, ông Vy Tư Liệu – Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân (Ban Dân vận Trung ương) cho biết, hầu hết các ý kiến đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại diện các tầng lớp nhân dân, thể hiện sự đồng tình với các nội dung cơ bản được nêu trong các dự thảo văn kiện. Đồng thời đề nghị bổ sung để hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn những nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu phát triển, đến vị trí, vai trò và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Một Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Một Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

PV: Xin ông cho biết kết quả bước đầu đợt lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?

Ông Vy Tư Liệu: Từ ngày 20/10, hệ thống báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước đã đồng loạt đăng tải toàn văn 4 dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Từ ngày 23/10 đến 6/11/2020, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tổ chức 24 Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ở khắp các vùng miền của đất nước. Các Hội nghị đều có sự tham dự của Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Thường trực Tiểu ban văn kiện, Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và người đứng đầu các cơ quan tổ chức các hội nghị.

Trung bình mỗi hội nghị có khoảng 12-15 ý kiến. Bước đầu tổng hợp 24 hội nghị có khoảng trên 300 ý kiến (đây là các ý kiến trực tiếp phát biểu tại hội nghị), khoảng 9.000 đại biểu tham dự. Sở dĩ đông như vậy, bởi riêng 1 Hội nghị do Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã thu hút tới trên 7.000 người tham dự tại các điểm cầu trên toàn quốc. Ngoài ra, số lượng ý kiến chuẩn bị cho tham luận tại hội nghị cũng nhiều hơn, có hội nghị chuẩn bị tới 25 ý kiến nhưng chỉ đủ thời gian cho khoảng 15 ý kiến. Tuy nhiên, dù là ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị hay đóng góp bằng văn bản đều có giá trị như nhau, đều được Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp, tiếp thu và báo cáo một cách đầy đủ.

PV: Ông có thể cho biết các ý kiến tâm huyết, sâu sắc góp ý vào dự thảo văn kiện lần này?

Ông Vy Tư Liệu: Trong 4 dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nhiều ý kiến tập trung vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp đó là dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011 – 2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030), tiếp nữa là dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025).

Điều này cho thấy, đúng như tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngày 11/9/2020 đã được nhiều báo đăng tải: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị.

Ông Vy Tư Liệu – Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân (Ban Dân vận Trung ương)

Về cơ bản các ý kiến rất tâm huyết và sâu sắc, hầu hết các ý kiến cho rằng các dự thảo văn kiện lần này được chuẩn bị nghiêm túc, công phu; bố cục khoa học, chặt chẽ, văn phong chuẩn xác, rõ ràng, dễ hiểu. Nội dung có tính khái quát cao, toàn diện; đồng thời vừa có tính cụ thể ở những vấn đề cần thiết, có số liệu chứng minh đầy đủ, bám sát những vấn đề lý luận và thực tiễn của Việt Nam và thế giới. Nếu so sánh giữa dự thảo các văn kiện gửi phục vụ đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến với dự thảo các văn kiện công bố ngày 20/10 đã có sự nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nhiều ý kiến phong phú trên các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước thông qua đại hội đảng bộ các cấp.

Các hội nghị do Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn đều có sự chuẩn bị chu đáo; việc đóng góp ý kiến diễn ra sôi nổi, phân tích sâu sắc và làm rõ nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn, tập trung vào một số nội dung.

Thứ nhất: Trong công tác cán bộ, đề nghị phải thực sự “khách quan, dân chủ” mới có thể bố trí đúng người có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức trong sáng, không cục bộ, bè phái, thân thuộc, thể hiện tinh thần “ý Đảng lòng dân”.

Thứ hai: Đề nghị Đảng ta phải kiên quyết phòng chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền bởi hiện nay tham nhũng, chạy chức, chạy quyền còn có những biến tướng ngày càng tinh vi hơn.

Thứ ba: Phải đẩy mạnh công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền thông qua cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đạo đức trong thực hành công vụ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đây là vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta, do đó phải thường xuyên và tăng cường chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cho cán bộ, đảng viên.

Một số ý kiến đề nghị cần đổi mới hình thức, phương pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết và văn bản của Đảng, để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.

PV: Thưa ông, làm sao có thể biết những ý kiến nào sẽ được Tiểu ban văn kiện tiếp thu và tiếp thu ra sao?

Ông Vy Tư Liệu: Đến nay, 24 hội nghị đã kết thúc và được đánh giá đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân để gửi về Ban Dân vận Trung ương, dự kiến trước ngày 15/11/2020. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Trung ương và Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng hợp chung gửi Trung ương Đảng trước ngày 20/11/2020.

Hơn nữa, từ nay đến Đại hội XIII của Đảng, chắc chắn các Hội nghị của Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện các dự thảo văn kiện cho phù hợp với thực tế tình hình. Mốc thời gian từ ngày 20/10 đến 10/11/2020 là mốc tổ chức các hội nghị của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn, và đương nhiên ngày 10/11/2020 chưa phải là mốc cuối cùng kết thúc lấy ý kiến của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bởi vậy, từ nay đến khai mạc Đại hội XIII của Đảng, các tầng lớp nhân dân nếu có ý kiến đóng góp có thể thông qua hệ thống báo chí truyền thông và nhiều kênh thông tin khác để gửi ý kiến, đồng thời bộ phận Thường trực Tiểu ban văn kiện và các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện để Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông.

PV/ VOV

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son