Nếu các tàu Đài Loan bị tấn công gần các thực thể tranh chấp trên Biển Đông, quyền bắn trả sẽ do người đứng đầu Hội đồng các vấn đề đại dương (OAC) quyết định.
Đây là một phần trong các quy định mới vừa được bổ sung và có hiệu lực lập tức vào ngày 3-12, theo trang tin Taiwan News. Theo một số quan chức Đài Loan, các sửa đổi và bổ sung mới cho lực lượng tuần duyên là cần thiết vì “ngày càng có nhiều mối đe dọa trên biển”.
Trong trường hợp liên lạc giữa Đài Bắc và quần đảo Đông Sa hoặc đảo Ba Bình bị cắt đứt, sĩ quan cấp cao nhất có mặt tại chỗ được toàn quyền quyết định nổ súng đáp trả những kẻ tấn công trước.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép. Hiện Đài Loan vẫn là bên kiểm soát quần đảo Đông Sa, vốn là một trong các “Tứ Sa” mà Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý trong thời gian qua.
OAC giải thích do khoảng cách giữa Đài Loan và Đông Sa lên tới 450km, cộng thêm quần đảo này nằm gần Trung Quốc đại lục hơn, nên “cần có sự linh hoạt cho phép các sĩ quan tại chỗ đáp trả các hành động xâm lược một cách thích hợp”.
Chính quyền Đài Bắc đặc biệt lo ngại về số phận của quần đảo Đông Sa, khi căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan tăng cao. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng oanh tạc và đổ bộ chiếm đảo Đông Sa cũng như thử phản ứng của máy bay chiến đấu Đài Loan từ tháng 7 và 8-2020 đến nay.
Động thái diễn ra không lâu sau khi một dự luật Trung Quốc cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí trấn áp trên biển.
Theo dự luật này, hải cảnh Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài được cho là vi phạm vào “vùng biển của Trung Quốc” trong hai trường hợp: trong tình huống khẩn cấp hoặc khi các lời cảnh báo của Trung Quốc (như yêu cầu dừng tàu và cho cơ quan chức năng của Trung Quốc lên tàu kiểm tra) bị phớt lờ.
Giới quan sát cảnh báo nếu dự luật này được thông qua, hải cảnh Trung Quốc sẽ được trao một quyền lực lớn, gây nguy hiểm cho các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông bao gồm hoạt động của các ngư dân Việt Nam.
Vai trò của Hội đồng các vấn đề đại dương Đài Loan khá rộng: quản lý 3 cơ quan nhỏ hơn là tuần duyên, Cục Bảo tồn đại dương và Viện Nghiên cứu đại dương. Chính quyền Đài Loan đang dồn sức cho các chương trình đóng tàu tuần tra và tàu ngầm “trước mối đe dọa từ Trung Quốc”.
BẢO DUY/TTO
ConversionConversion EmoticonEmoticon