Bộ Công an, vào trung tuần tháng 12 vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về công an tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh quy định, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp công dân ít nhất một ngày/tháng.
Đây là động thái nhanh chóng của Bộ Công an sau phiên họp lần thứ 37, diễn ra hồi tháng 9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Được biết, theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2019, tình hình khiếu nại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Báo cáo nêu rõ, vụ việc tố cáo tăng 6,6%. Đặc biệt, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm gần 68% tổng số đơn. Song song đó, số lượt công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tăng 4,3% trong năm ngoái. Điều này chứng tỏ rằng, Luật Tiếp công dân; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân đã và đang thực sự phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, mặc dù kết quả khả quan nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập. Đó là việc lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân. Do đó, việc tiếp dân vừa qua còn làm hình thức, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp dân. Thậm chí, có nơi còn có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực với người dân đến khiếu nại, tố cáo hoặc thậm chí là nêu kiến nghị. Vẫn xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn dân không đúng quy định.Trước thực trạng đó, mặc dù đã có Thông tư số 30/2015/TT-BCA ngày 3/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân; Kế hoạch số 251/KH-BCA ngày 30/8/2016 về việc tiếp công dân của lãnh đạo Bộ Công an, nhưng Bộ Công an vẫn tiếp tục tiên phong hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về công an tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.
Và trên hết người đi đầu sẽ làm gương, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trực tiếp lắng nghe những ý kiến, phản ánh của người dân ít nhất 1 ngày/tháng. Đặc biệt, là địa điểm sẽ được tiến hành là trụ sở tiếp dân của Bộ Công an. Điều này, đồng nghĩa tất cả người dân của các tỉnh thành trên cả nước đều có cơ hội gặp gỡ, phản ánh, tố cáo với Bộ trưởng Bộ Công an.Khi người đứng đầu các cơ quan đã trực tiếp đứng ra tiếp dân theo định kỳ, có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng quần chúng, giải trình về những ý kiến thắc mắc của nhân dân. Thì tin chắc rằng, những bộ máy cấp dưới cũng không dám lơ là, coi thường trọng trách và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, cũng truyền đi một thông điệp vô cùng mạnh mẽ , đó là tiếp công dân là hoạt động quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong quản lý của các cơ quan, tổ chức..
Có những sự việc, chỉ nhìn trên giấy tờ thì không thể nào hiểu rõ được bản chất thật sự của nó, mà chỉ khi gần dân, lắng nghe, tiếp xúc với dân thì mới đúc kết và tìm ra phương pháp giải quyết được mọi vấn đề. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua trong công tác phá án hình sự liên quan đến tội phạm giết người và tội phạm ma túy, lực lượng công an đã rất thành công triệt phá từ những thông tin do người dân cung cấp. Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng trực tiếp nhận được thông tin, góp ý, khiếu nại của người dân về hoạt động của lực lượng công an đã góp phần xây dựng lực lượng trong sạch, hiệu quả. Chính vì thế, người đứng đầu ngành Công an đã chủ động quy định lịch trình gặp gỡ để hiểu rõ tâm tư của người dân, từ đó tạo ra một niềm tin lớn mạnh giữa quân và dân, là một bước đi chiến lược và hoàn toàn hợp lòng dân.
Ấy thế mà, một hành động vô cùng ý nghĩa và thiết thực như vậy, lại bị những kẻ thù địch, ganh ghét mang ra bôi nhọ. Như mới đây, trang mạng thù địch RFA đã đăng tải bài viết, “Mong gì vào tin Bộ trưởng Công an sẽ tiếp dân ít nhất một ngày/tháng?”. Bài viết đã trích dẫn một số ý kiến bất đồng của những kẻ núp bóng, tự xưng là dân oan móc nối vào dự thảo Thông tư tiếp dân của Bộ Công an nhằm tấn công uy tín của Bộ trưởng Tô Lâm cũng như hạ uy tín của ngành.Thời gian qua, trước những chiến công của ngành Công an rất nhiều tổ chức và trang mạng thù địch đã tìm cách bôi đen, xóa bỏ. Và một trong những chiêu trò đó là “cố đấm ăn xôi”, bới móc những hoạt động của ngành Công an để xuyên tạc, vu vạ. Thế nhưng, đáng tiếc rằng những lời bới móc đấy chỉ tồn tại trên giấy, còn những nỗ lực của ngành công an là thực tế. Ai cũng có thể thấy và cảm nhận được.
Thu An
ConversionConversion EmoticonEmoticon