Sáng 4-12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II được khai mạc trọng thể tại Hà Nội, là ngày hội của không chỉ 1.600 đại biểu tiêu biểu mà là ngày vui chung của tình đoàn kết 54 dân tộc anh em.
Đến năm 2030, thu nhập của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung
Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ nhất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhờ thế, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc hơn.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.
Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay). Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta, Thủ tướng nhắc lại trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác Hồ đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là “đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào”.
“Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương. Chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên – 54 dân tộc anh em Con Lạc – Cháu Rồng chúng ta mới xây dựng được một quốc gia hùng mạnh”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, thời gian tới Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn đồng bào dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường và cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết…
Khẳng định rừng có ý nghĩa rất quan trọng, là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở, là sinh kế cho đồng bào, Thủ tướng chỉ đạo đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình.
Thủ tướng hứa hẹn sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hơn 130.000 tỉ đồng đầu tư mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong bài phát biểu khai mạc đại hội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 130 nghìn tỉ đồng để đầu tư mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
THIÊN ĐIỂU/TTO
ConversionConversion EmoticonEmoticon