Sức khỏe và tính mạng của cộng đồng là vô giá, không có gì có thể đánh đổi và cũng không thể lấy cái nghèo, cái khó ra để biện minh.
Thông tin mới nhất được báo Dân trí đăng tải cho biết, theo nhận định từ Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT), gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở một số đô thị lớn, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và TPHCM có xu hướng gia tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
Để giảm bớt mức độ nguy hại, Bộ TNMT đề nghị Hà Nội, TP. HCM thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành qui định kế từ 1-1-2021, cấm sử dụng than tổ ong, yêu cầu Sở TNMT Hà Nội, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đây là những biện pháp cứng rắn không chỉ nhằm hạn chế ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà còn đảm bảo tính mạng người dân khi lưu thông.
Về ô nhiễm do than tổ ong, thật khó diễn tả cảm giác khó chịu mỗi khi hít thở phải loại khí thải này. Đặc biệt là mỗi buổi sáng, khi cơ thể con người cần không khí trong lành thì việc bếp than tổ ong tuôn khói vào môi trường thật là kinh khủng.
Theo số liệu từ Sở TNMT Hà Nội năm 2019 (chưa có số liệu năm 2020), mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 528 tấn than tổ ong. Kể cả các phương tiện khác, mỗi ngày Hà Nội phát thải ra môi trường 1870 tấn khí CO2. Đây là số liệu minh chứng về một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nhiều năm qua.
Về cấm phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường mà còn hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Hình ảnh những chiếc xe đủ các loại "không" như: Không đèn, không còi, không phanh, không chắn bùn, không biển số xả khói đen mù mịt trên đường là nỗi kinh hoàng đối với người dân.
Được biết, đáng ra việc cấm sử dụng than tổ ong và các phương tiện giao thông cũ nát đã được thực hiện từ lâu (khoảng năm 2010). Song, do dư luận khi đó biện minh rằng chủ nhân của các loại hình gây ô nhiễm này phần lớn là những người có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên giờ đây, đời sống người dân đã được nâng lên nhiều. Việc sử dụng các phương tiện thay thế không còn là điều quá khó nữa. Mặt khác, với sức khỏe và tính mạng cộng đồng, không thể lấy cái nghèo, cái khó ra để đánh đổi, bao biện cho hành vi vi phạm. Vả lại, chính họ và gia đình họ là những người phải gánh chịu đầu tiên.
Rất mong không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà các địa phương khác sớm có qui định này đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục và có những biện pháp cứng rắn trong tổ chức thực hiện.
Khi tôi viết những dòng này (10h ngày 4.1.2021), mức độ ô nhiễm tại Hà Nội là 151, có hại cho sức khỏe. Theo dự báo trong những ngày tới, chỉ số này có thể sẽ còn cao hơn ở mức rất nguy hại.
Vì thế, xin một lần nữa nhắc lại, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng là vô giá, không có gì có thể đánh đổi và cũng không thể lấy cái nghèo, cái khó ra để biện
ConversionConversion EmoticonEmoticon