Hơn nửa thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, cũng là lúc núi rừng Việt Nam bị tàn phá dữ dội nhất. Hơn 7 triệu tấn bom, 75 triệu lít hóa chất, trong đó có chất độc màu da cam, đã trút lên những cánh rừng Việt Nam… Sự tàn phá thiên nhiên một cách vô cảm nhân danh “tự do” và “dân chủ” ấy chính là nguồn gốc của Tết Trồng cây, phong trào trồng cây gây rừng do Bác Hồ đã phát động 56 năm về trước…
Thế nhưng nửa thế kỷ sau, có những kẻ mang trong mình dòng máu đỏ da vàng, lại cầm chính những đồng tiền đã hủy hoại đất rừng Việt Nam ngày xưa ấy mà xỉa xói đến cả cái gốc cây ở quê nhà. Đài RFA Tiếng Việt vừa qua, như một “phong tục” mùa Tết của riêng những phần tử phá hoại, lại tiếp tục bài rêu rao về Tết trồng cây, mà ở đây là chuyện trồng cây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Cái chuyện khôi hài là ngày nay, đến cả cái cây của lãnh đạo bao lớn cũng phải được những kẻ mang danh “báo chí” đem ra bới móc và xỉa xói, như thể cho bõ cái đồng tiền đã trót nhận từ những kẻ mang bom đạn dội vào quê hương. Và khôi hài hơn, khi đến cả cành cây cũng không thoát khỏi trò lố “phe nhóm” mà trang mạng này vẫn cố theo đuổi, tất nhiên cũng bằng những đồng tiền đã thiêu rụi núi rừng quê nhà ấy. Một cái Tết trồng cây, dưới ngòi bút biến tướng của RFA, trở thành một câu chuyện đậm mùi phe nhóm, đơn giản chỉ vì… gốc cây này to hơn gốc cây kia. Thật hổ thẹn cho những kẻ tự xưng là ký giả, nhưng chỉ chăm chăm cho cái chuyện “cây của ai to hơn”, còn nguồn gốc của ngày Tết trồng cây là “nhờ” ai, thì không tài nào nhớ nổi…Xét theo một góc độ, có lẽ chúng ta phải “cảm ơn” quân đội Mỹ, những người đã giúp khai sinh ra một cái ngày Tết đặc biệt như thế. Chính “nhờ” cái sự tàn phá đến tận diệt những cánh rừng, “nhờ” hàng triệu tấn bom mìn, hóa chất ấy, mà chúng ta hiểu hơn ai hết chiến tranh có thể hủy hoại thiên nhiên một cách tàn khốc như thế nào. Và cũng “nhờ” có chúng, mà ngày Tết trồng cây được phát động, được gìn giữ thành truyền thống như ngày hôm nay, là lời nhắn nhủ bảo vệ thiên nhiên và cội nguồn sự sống cho muôn đời, và cũng là lời nhắc nhở về tội ác hủy hoại môi trường mà chiến tranh mang đến.
Thẳng thắn nhìn nhận, thì chuyện ai trồng cái cây nào to hơn vào ngày Tết trồng cây là điều quan trọng, hay là thông điệp mà chúng gửi gắm suốt nửa thế kỷ qua mới là quan trọng? Phải chăng ngày Tết trồng cây là bệnh hình thức để các phe nhóm tranh nhau ai trồng cây to hơn, hay nó ra đời đơn giản là cho mỗi một con người Việt Nam hôm nay gửi gắm một chút công sức của mình cho thế hệ con cháu, để cho những cành cây non hôm nay sẽ là những cây cao bóng tỏa? Ở góc độ đó, những cái cây ngày Tết ấy chính là đại diện cho người Việt hôm nay, để ngày mai, như thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập và hòa bình, sẽ là gốc cây vững chắc cho những mầm non của đất nước. Quên đi ý nghĩa của Tết trồng cây mà chăm chăm vào chuyện so đo cái gốc cây, cũng là lúc những kẻ chống phá đã quên đi sự hủy hoại đối với thiên nhiên và con người của cuộc chiến tranh phi chính nghĩa của nửa thế kỷ trước.
Có lẽ, những kẻ đang bêu rếu về ngày Tết trồng cây, mới chính là những người cần chiêm nghiệm nhiều nhất 2 dòng thơ của Bác: Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Mong cho đất nước lụn bại ngày đầu xuân, thì có còn không tư cách để ngẩng cao đầu mà nói “tôi là người Việt Nam”?
Hàn Nguyên
ConversionConversion EmoticonEmoticon