Tổng số lượt xem trang

Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ, bài học cho Việt Nam

 

Thảm cảnh Covid-19 đang diễn ra tại Ấn Độ với gần 350 nghìn ca mắc mới mỗi ngày; bệnh viện quá tải, bác sĩ phải rút ống thở người già, nhường cho người trẻ; các bãi thiêu rực lửa ngay thủ đô...

Tập trung đông người đẩy Ấn Độ xuống vực thẳm Covid-19

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá Ấn Độ với mức độ chưa từng thấy. Sau 5 ngày liên tiếp lập kỷ lục trên dưới 350.000 ca nhiễm/ngày, đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 17,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 195.000 người đã tử vong.

Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ, bài học cho Việt Nam - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Các lò hỏa thiêu ở Ấn Độ quá tải vì số người chết do Covid-19 tăng nhanh (Ảnh: Reuters)

Thảm cảnh Covid-19 tại Ấn độ, giới chuyên môn phân tích do 3 nguyên nhân, trong đó có yếu tố quan trọng: hành vi của người dân.

Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1-3/2021, khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca và đã dỡ bớt các biện pháp chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại. Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân của nước này đã được tiêm. Trong khi đó, các cuộc tụ tập đông người, trong đó có lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới Kumbh Mela, vẫn được phép diễn ra mà hầu như không có hạn chế nào, ngay cả khi làn sóng dịch thứ hai đang tràn đến, kết cục đã đẩy Ấn Độ vào thảm cảnh Covid-19. 

3,5 triệu người Ấn ngâm mình ở lễ hội sông Hằng hôm 1/4 và trở thành cụm siêu lây nhiễm với hơn 2.000 ca một ngày.

Ấn Độ đang lâm vào khủng hoảng, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao. Chỉ trong 24 giờ, Ấn Độ có thêm gần 350.000 ca nhiễm mới và số người tử vong đã tăng thêm 2.761 người. Con số trên đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200.000, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên tới gần 17 triệu trường hợp. 

Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi đã ra thông báo nguồn oxy sắp cạn kiệt. 

Tại Thái Lan, trong ngày 24/4 cũng ghi nhận số lượng ca mắc mới là gần 2.900 người. Tại Lào, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 88 ca mắc mới Covid-19, đều là lây nhiễm cộng đồng. Tại Campuchia, trong 3 ngày qua số ca nhiễm trong ngày đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong ngày qua ghi nhận hơn 500 ca mắc mới. 

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng về làn sóng Covid-19 ở Ấn Độ, ông nói: "Tình hình ở Ấn Độ hơn cả đau lòng".

Người đứng đầu WHO cho biết tổ chức này đã gấp rút hỗ trợ Ấn Độ giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19. "Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để cung cấp vật tư y tế quan trọng cho Ấn Độ", ông Tedros nói. Ông cho biết, WHO đã gửi hàng nghìn máy tạo ôxy, bệnh viện di động và vật tư phòng thí nghiệm cho Ấn Độ nhằm đối phó với làn sóng Covid-19 mới. WHO cũng đã điều động hơn 2.600 chuyên gia từ các chương trình khác nhau phối hợp với giới chức y tế Ấn Độ đối phó đại dịch.

Các nước, trong đó có Mỹ, EU tuyên bố hỗ trợ khẩn cấp Ấn Độ vật tư y tế, thuốc men để đẩy lùi đại dịch.

Bài học cho Việt Nam - 4 ngày nghỉ lễ hãy cảnh giác

Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ, bài học cho Việt Nam - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Khu phố đi bộ Hồ Gươm vẫn đông đúc dịp cuối tuần (Ảnh: Hữu Nghị).

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết sau hơn một tháng không ghi nhận ca mắc ngoài cộng động, hiện nay người dân đã bắt đầu tâm lý chủ quan như không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đi đến lễ hội, địa điểm tập trung đông người… Đây là vấn đề rất đáng quan ngại. Với bức tranh của Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ 4 tại nước ta rất cao. 

 "Chỉ mất 2 tiếng một người đi từ TP HCM ra Hà Nội, cộng thêm tập trung đông người, đặc biệt tiếp xúc với nhóm người không rõ nguy cơ với nhau thì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh thì đã có thể lây cho nhiều người, đi lại nhiều dễ lây cho khu vực khác. Nếu không kiểm soát được người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) thì sẽ rất dễ bùng phát thành dịch. Gần đây, số ca nhập cảnh hợp pháp có kết quả dương tính khá lớn", TS Phu nhấn mạnh. 

Dù vậy, ông cũng thừa nhận việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, nhất là đường biển. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về chủng virus SARS-CoV-2 trên người Việt từ Campuchia về là hai biến thể lây lan nhanh gồm biến thể được phát hiện tại Anh và tại Nam Phi. Nguy cơ với nước ta là rất cao. 

Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ, bài học cho Việt Nam - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Biển người đổ về đền Hùng trong ngày chính hội (Ảnh: Đỗ Quân).

Vì thế, ông khuyến cáo người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế. Đồng thời, chính ban quản lý các khu du lịch, chính quyền cũng cần nhắc nhở người đến tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 4 ngày  sắp tới.

"Trong dịp nghỉ lễ, nhiều người đi lại, tiếp xúc người lạ mà không biết ai mang nguy cơ, khi có ca bệnh sẽ rất khó truy vết. Thậm chí, khi để lọt mầm bệnh, dịch không bùng phát ngay mà thời gian sau mới xuất hiện", ông Phu nói.

Kiểm soát biên giới

Gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo với công tác phòng chống dịch Covid-19, liên tục có cảnh báo với người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Y tế liên tục có những chỉ đạo khẩn, để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch tại Việt Nam, yêu cầu các địa phương phải "hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch", đặc biệt kiểm soát tốt ở các địa phương có đường biên với các nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam, Bộ trưởng Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Thông thường kinh nghiệm thế giới cho thấy là những lần sau số mắc bao giờ cũng nhiều hơn lần trước, tàn khốc hơn lần trước.

"Campuchia mỗi ngày có trên 600 trường hợp nhiễm và việc lây nhiễm từ Campuchia vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bởi vì đường bộ, đường trên biển hết sức phức tạp, khó kiểm soát và rất có thể sắp tới đây nhiều người giãn cách xã hội ở Campuchia họ có thể quay trở lại Việt Nam. Nếu để xảy ra dịch trên khu vực này, ảnh hưởng về tất cả mọi mặt từ an sinh xã hội, kinh tế, sức khỏe của người dân…", ông Long cảnh báo.

Mới nhất, Quảng Ninh đã quyết định: Dừng bắn pháo hoa ở tất cả các điểm trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; dừng tất cả các lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo từ ngày 30/4 đến hết ngày 23/5 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trước diễn biến dịch Covid-19 vô cùng phức tạp ở các nước láng giềng quanh Việt Nam.


Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son