Mạng xã hội tuần qua xuất hiện hai hình ảnh đối lập thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là hình ảnh một thiếu tá công an dũng cảm tố cáo sai phạm của cấp trên và hình ảnh đại úy công an đứng nghe điện thoại để mặc tài xế taxi vật lộn với tên cướp. Từ hai hình ảnh này, ngành Công an bỗng chốc trở thành tâm điểm bàn luận tốt xấu. Vì thế, hôm nay tôi muốn chia sẻ góc nhìn và suy nghĩ của mình về vấn đề thiện ác, tốt xấu, những hành động đẹp và những việc làm chưa đẹp.
Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi và thốt lên rằng: “Tấm vải bẩn thật! Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Và mỗi ngày, người vợ vẫn nói ra lời tương tự khi nhìn bà hàng xóm phơi đồ. Đến một ngày, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”. Người chồng vội đáp: “Không! Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.
Trong cuộc sống, cái đẹp, cái xấu vẫn tồn tại đan xen nhau. Tôi vẫn tin, những điều tốt đẹp luôn áp đảo những thứ xấu xa, dơ bẩn. Chúng ta không thể vì một hành động xấu hoặc một điều gì đó chưa tốt để đánh giá tổng thể được và thật không đúng khi chính bản thân ta vốn sẵn có thành kiến hoặc có cái nhìn tiêu cực về một sự vật, hiện tượng nào đó. Như hình ảnh đại úy công an đứng gọi điện thoại để mặc tài xế taxi chống đỡ, vật lộn với tên cướp, tôi không đồng tình cách xử lý thờ ơ, vô trách nhiệm như thế của anh ta, thậm chí tôi muốn kiến nghị cấp trên của anh ta kỷ luật thật nghiêm khắc để làm gương cho nhiều cán bộ, chiến sỹ khác trên cả nước. Không thể để một con sâu làm rầu nồi canh, không cho phép một vết dơ ảnh hưởng đến cả một bức tranh tươi sáng của lực lượng công an được.
Không nói đâu xa, chỉ trong một tuần trở lại đây, chúng ta đã thấy biết bao nhiêu hình ảnh tạo được xúc cảm tốt cho người dân về ngành Công an. Một Thiếu tá Công an dũng cảm tố cáo sai phạm của cấp trên để góp phần làm trong sạch lực lượng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Một chiến sỹ CSGT chào điều lệnh đoàn xe tình nguyện nhằm bày tỏ sự kính trọng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người lên đường hỗ trợ chống dịch Covid-19. Rồi hình ảnh Công an huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc giúp người dân xã Yên Thạch gặt lúa dưới cái nắng 37 độ C. Trong 4 hình ảnh đáng chú ý của các chiến sỹ công an tuần qua, có đến 3 hình ảnh tích cực thì bảo sao tôi không có niềm tin vào những điều tốt đẹp đang hiện hữu nhiều hơn những cái xấu, tiêu cực?
Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng có thể giống như cô vợ trong câu truyện phía trên. Và cũng có người đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà mình tự cho là “lỗi lầm của người khác”. Nhưng chúng ta quên mất rằng, đôi khi, không phải thế giới có vấn đề hay người khác quá sai quấy mà vấn đề nằm ở chính tâm ta. Scott Barry Kaufman, nhà tâm lý học từ Đại học Columbia ở New York đã thực hiện bài kiểm tra nhân cách tốt và xấu ở 1000 người và ông đã đưa ra kết luận rằng: “Dù thế giới đầy điều đáng sợ nhưng con người thực sự căn bản là hướng về phần tốt”. Có lẽ kết luận này sẽ góp phần kích thích niềm tin con người, giúp họ dịch chuyển cái nhìn của mình về hướng tích cực và tốt đẹp hơn, thay vì những suy nghĩ tiêu cực, thiển cận. Hình ảnh thiếu tá công an dũng cảm tố cáo sai phạm của cấp trên và đại úy đứng gọi điện thoại để tài xế vật lộn với cướp chính là hai tấm gương phản ánh tốt xấu trong một ngành nói riêng nhưng cũng là trong cuộc sống nói chung. Chúng ta cần nhìn vào đó để tự soi chiếu lại bản thân, cái gì nên học tập, cái gì nên loại bỏ, khắc phục, sửa chữa. Đặc biệt không nên áp đặt cái tâm tiêu cực của mình vào một vấn đề rồi quy chụp cho tổng thể cái chung.
Phạm Hùng
ConversionConversion EmoticonEmoticon