“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” (Trung Quốc gọi là “cửu đoạn tuyến”) là một sản phẩm khiến cả thế giới, kể cả một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ngạc nhiên và “không thể hiểu nổi”! Thậm chí có học giả Trung Quốc đã phải thừa nhận: “Rất xấu hổ khi các đồng nghiệp quốc tế hỏi về đường 9 đoạn”!
Tiết lộ của người Trung Quốc về “lò sản xuất đường lưỡi bò”
Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có đường lưỡi bò. Ngay lập tức, học giả kiêm nhà bình luận nổi tiếng của đài Phượng Hoàng (Hongkong) Tiết Lý Thái lên tiếng cảnh báo: “Trung Quốc đang tự đặt ra tai họa cho mình. Cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ để cho chuyện đó xảy ra”.Và cũng chính nhiều học giả tôn trọng sự thật ở Trung Quốc đã công bố tư liệu về nguồn gốc “đường lưỡi bò” với lời can gián “Đừng làm trò cười cho thiên hạ”.
Đường đứt đoạn kể trên xuất hiện lần đầu tiên trên các bản đồ Trung Quốc phát hành vào những năm 1940. Nó thể hiện yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển và tất cả các thực thể nổi (land features) nằm trong phạm vi các đường này.
Nguồn gốc phi lý của “đường lưỡi bò”
Nguồn gốc của đường 9 đoạn có thể được bắt nguồn từ các bản đồ chính thức do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Quốc dân đảng, còn gọi là chính phủ Quốc dân đảng, thực hiện trước và sau Thế chiến II – theo cuốn sách “Vạc dầu châu Á: Biển Đông và hồi kết của một Thái Bình Dương ổn định” của học giả và chiến lược gia Mỹ Robert D. Kaplan.
Đường lưỡi bò ban đầu là đường 11 đoạn. Nhà địa lý Trung Quốc Yang Huairen là người thêm nó vào bản đồ. Yang sinh năm 1917, từng du học ở Anh trước khi làm việc cho chính phủ Quốc dân đảng.
Một bài đăng trên Tạp chí TIME viết: “Năm 1947, Yang đã cố gắng thực hiện tấm bản đồ có đường 11 đoạn và 286 bãi đá và bãi ngầm ở Biển Đông. Yang đã đặt tên chính thức cho từng bãi đá và bãi ngầm, gọi chung lãnh thổ đó là ‘Quần đảo ở Biển Đông’.”Theo những tư liệu mà giới nghiên cứu Trung Quốc công bố rộng rãi trên các trang mạng thì xuất xứ của “đường lưỡi bò” như sau: Thời Trung Hoa dân quốc có tổ chức chuyến đi khảo sát trái phép kéo dài 2 tháng từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Sau chuyến đi, trở về trụ sở ở Quảng Châu, chỉ huy Lâm Tuân cùng một số thuộc hạ thân tín ngồi lại cùng nhau vẽ ra bản đồ 11 đoạn rồi giao cho Sở Phương vực thuộc Bộ nội chính in ấn vào tháng 10/1947.
Năm 1949, khi phe Quốc dân đảng thất bại và chạy sang Đài Loan, Yang ở lại Đại lục và bị thanh trừng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Tuy nhiên, sau này, khái niệm đường chữ U của Yang vẫn được Bắc Kinh sử dụng.
Năm 1952, Mao Trạch Đông từ bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Vịnh Bắc Bộ và đường 11 đoạn trở thành đường 9 đoạn.
Dù đã xuất hiện từ năm 1947, suốt một thời gian dài, ngay cả các bản đồ của Trung Quốc cũng hầu như không thể hiện đường này. Mãi đến năm 2009 Trung Quốc mới đưa một bản đồ có đường 9 đoạn vào một hồ sơ đệ trình lên LHQ.
Tuy nhiên, ý nghĩa của đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn mơ hồ. Marina Tsirbas, cố vấn cấp cao về chính sách tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết đường 9 đoạn là “tuyên bố chủ quyền tối đa và quyền kiểm soát đối với tất cả các thực thể nổi, thực thể chìm và đáy biển trong khu vực được giới hạn bởi đường 9 đoạn. Đây quả thực là điều mà nhiều nước lo ngại.”
Nhận xét về cách “sản xuất” ra đường lưỡi bò nói trên, nhà nghiên cứu người Mỹ, giáo sư Mark J.Valencia thẳng thắn: “Tuyên bố của TQ về chủ quyền biển Đông luôn mập mờ và thiếu nghiêm túc. Trong đó thiếu nghiêm túc nhất là đường chữ U. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay cái gì khác, họ luôn mập mờ rằng, có thể như thế hoặc có thể không. Trên thế giới chẳng có đường nào đứt khúc như vậy!”.
Cái gọi là “đường 9 đoạn” hoàn toàn phi pháp
Từ lâu, Trung Quốc đã khăng khăng rằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông là thích đáng về mặt lịch sử. Một số nhà phân tích và học giả người Trung Quốc ngang ngược tự cho rằng các đảo ở Biển Đông lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà Hán cách đây hơn hai thiên niên kỷ.
Theo Robert D. Kaplan, các học giả này còn lập luận thêm rằng một phái đoàn Trung Quốc đến Campuchia hồi thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên đã “kể về Hoàng Sa và Trường Sa”. Sau đó, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14, trong thời kỳ nhà Tống và nhà Nguyên, nhiều báo cáo chính thức và không chính thức của Trung Quốc cho thấy Biển Đông nằm trong ranh giới quốc gia của Trung Quốc.Tuy nhiên, những ngụy biện về “quyền lịch sử” này không có căn cứ.Wang Ying, một nhà địa lý biển người Trung Quốc và là học trò của Yang Huairen, thừa nhận trên TIME: “Quả thực, ngoài thời nhà Minh (1368-1644) có sự bùng nổ về thăm dò hàng hải, thì phần lớn các hoàng đế Trung Hoa đã cho thi hành chính sách bế quan tỏa cảng“.
Thứ hai, theo lập luận của Kaplan, hầu hết các thực thể nổi và các đảo trong Biển Đông trước kia chỉ là “những mảnh nhỏ của trái đất với rất ít ý nghĩa lịch sử và về cơ bản không có người ở.”
Theo Điều 56 trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên tham gia, các nước có quyền khai thác các nguồn tài nguyên bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước mình. Theo đó, bất kỳ phần nào của đường lưỡi bò nằm ở bên trong EEZ của nước khác đều là phi pháp.
Các quy định trong luật pháp quốc tế cấm Trung Quốc chiếm hữu tài nguyên và bồi đắp các thực thể nhân tạo trái phép trong EEZ của các nước.Thêm vào đó, phán quyết của PCA năm 2016 đã khẳng định cái gọi là yêu sách chủ quyền lịch sử mà Bắc Kinh đưa ra để biện minh cho đường 9 đoạn là vô căn cứ và không hợp pháp, do đó tuyên bố về quyền sở hữu của Trung Quốc bằng đưỡng lưỡi bò đối các vùng nước khác ở Biển Đông thông qua tiền lệ lịch sử cũng là hoàn toàn trái pháp luật.
Bảo Trâm
ConversionConversion EmoticonEmoticon