Liên quan đường dây sản xuất, tiêu tụ hơn 3 triệu sách giáo khoa giả, đến nay cơ quan điều tra khởi tố 12 bị can, trong đó có 4 người là cán bộ quản lý thị trường.
Đến thời điểm hiện tại, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) khởi tố tất cả 12 bị can bị khởi tố liên quan vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.Đáng chú ý, trong số những can bị khởi tố có 3 người là cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 (nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) và 1 cán bộ Tổ 304 (nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương).
Theo cơ quan công an, từ 18-22/6, các lực lượng chức năng bắt quả tang nhóm người tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách của Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát.
Đồng thời, cơ quan chức năng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.Cơ quan CSĐT Bộ Công an tạm giữ hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp.
Cơ quan CSĐT xác định, kết quả điều tra bước đầu cho thấy lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng. Đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay bị phát hiện.
Ngày 23/6, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, đồng thời khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với 7 bị can là Cao Thị Minh Thuận (SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát, Chủ các Nhà sách Minh Thuận, địa chỉ 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội); Hoàng Mạnh Chiến (SN 1982, Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội); Nguyễn Mạnh Hà (SN 1972, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội).
Cùng với đó, Hoàng Thị Ánh Vân (SN 1983, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội); Nguyễn Đức Khương (SN 1980, Chủ xưởng gia công sách Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội); Đỗ Đức Thắng (SN 1972, nhân viên thiết kế đồ họa Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và Nguyễn Hữu Trung (SN 1980, nhân viên Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát) cũng bị khởi tố để điều tra về cùng hành vi trên.Đến 23/7, Cơ quan CSĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời, đơn vị này ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 cán bộ quản lý thị trường là ông Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17; nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14), ông Phạm Ngọc Hải và bà Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17; nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đến tối 17/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Môi giới hối lộ”, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và bắt bị tạm giam đối với 2 người là ông Trần Hùng (kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304; nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự và bị can Nguyễn Duy Hải về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 11/5, Tổ công tác 1444 được Tổng cục Quản lý thị trường lập với nhiệm vụ thu thập, tiếp cận, xác minh thông tin sự việc vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Tổ có 6 thành viên, thực hiện nhiệm vụ từ 5/2021 đến 5/2022, do ông Trần Hùng làm Tổ trưởng.
Quá trình công tác, ông Hùng từng bị Bộ Công Thương “phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc” trong việc liên quan Công ty cổ phần Con Cưng.
Quang Tuyên
Theo canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon