Đeo khẩu trang không đúng quy cách, bị tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhắc nhở, người đàn ông không chấp hành, buông lời xúc phạm và đấm thẳng vào mặt một cán bộ trong tổ…
Đây là vụ việc xảy ra sáng 24/7, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại thôn Cầu Liêu, xã Thạch Xá, Thạch Thất (Hà Nội).
Sau đó ít ngày, một cặp vợ chồng "làm loạn" chốt kiểm dịch ở Hà Nội đã bị phạt kịch khung với mức phạt 3 triệu đồng mỗi người, mức cao nhất trong khung hình phạt quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định số 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Rồi cũng tại Hà Nội, mới đây, tiếp tục xuất hiện video clip quay lại cảnh một cụ ông không những không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng mà còn dùng mũ cối để tấn công cán bộ công an phường.
Dưới những bài viết đưa tin, phản ánh về các sự việc nêu trên, hầu hết độc giả đều tỏ thái độ bất bình với thái độ chống đối, thách thức của những người vi phạm.
Đáng buồn thay, những ngày gần đây, tại nhiều địa phương liên tục xuất hiện những hình ảnh không hay như vậy.
Với yêu cầu giãn cách, phòng dịch ở mức cao, một số địa bàn yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc cần thiết, muốn đi chợ phải có giấy vào chợ. Cuộc sống thường nhật đương nhiên phần nào bị ảnh hưởng.
Một số người không giữ được bình tĩnh đã có hành vi "bật lại" cán bộ phòng chống dịch. Mới có chuyện, "đánh không được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ". Lúc vi phạm thì rất hung hăng, còn khi nộp phạt và bị cộng đồng lên án thì lại mong thông cảm.
Có người sau khi làm việc với cơ quan chức năng thì lý giải có vấn đề về mặt tâm lý. Nhưng cũng có những hành vi vô ý thức đến mức không thể nào bào chữa nổi.
Ví như sự việc xảy ra sáng 27/7 tại chung cư Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) được camera an ninh ghi lại: Một thanh niên liên tục khạc nhổ nước bọt xuống sàn thang máy trước mặt hai người khác. Chưa dừng lại, còn dùng chiếc khẩu trang đang cầm trên tay để lau miệng rồi treo luôn lên chai nước rửa tay sát khuẩn đặt trong thang máy. Người này sau đó bị phạt 4 triệu đồng, nhưng có lẽ, phải rất lâu sau, anh ta mới xóa được ấn tượng xấu của người khác về hành vi thô thiển, vô ý thức của mình.
Chúng ta đang sống giữa thời điểm mà dịch Covid-19 đang bùng phát với tốc độ lây lan khó kiểm soát. Hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Tại nhiều nơi buộc phải áp dụng biện pháp cách ly, điều trị F0 tại nhà do sự quá tải về hệ thống y tế.
F0 có thể là bất cứ ai - bất kể tuổi tác, công việc, địa vị, bất kể anh có muốn làm "bố đời thiên hạ" thì Sars-Cov-2 cũng không vì thế mà bỏ qua. Đừng cho rằng, người nhà tôi là ông A, bà B, đừng cho rằng tôi là người lớn tuổi hay cho rằng tôi là người khỏe mạnh… mà không mắc Covid-19. Ai cũng có thể bị mắc Covid-19 và gieo rắc virus cho cộng đồng, mà trước hết là người thân trong gia đình. Chúng ta chỉ tránh được virus khi tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống, trong đó có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn…
Tại Hà Nội, thời gian giãn cách trước mắt là 15 ngày kể từ ngày 24/7, sau đó, tùy mức độ kiểm soát dịch thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không. Nhiều tỉnh thành khác không giãn cách toàn tỉnh nhưng vẫn áp chỉ thị 16, phong tỏa những khu vực có dịch. Đã có những địa phương tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội như Đồng Nai, Bạc Liêu.
Thời gian giãn cách là "thời gian vàng" để chống dịch. Mỗi một ngày như vậy, nhà nước hụt thu, cán bộ chức năng phải căng sức ra làm việc, người dân ở nhà mất thu nhập, bên nào cũng thiệt hại. Nhưng thiệt hại đó có thể sẽ còn tăng, số ngày giãn cách còn dài nếu nơi này nơi khác còn những người coi thường quy định, muốn làm "Chí Phèo" để ăn vạ với Covid.
Xã hội có luật pháp, con người cần ý thức. Nếu ý thức chưa tốt cũng cần phải biết sợ bệnh dịch. Chẳng nhẽ cứ phải đợi đến khi tiền mất tật mang, bản thân trở thành F0 và đối mặt với tử thần, lúc đó mới sợ?
Bích Diệp
ConversionConversion EmoticonEmoticon