“Xã và phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau. Nếu không phân cấp cho công an xã sẽ rất khó khăn trong giải quyết những vấn đề từ sớm, từ xa.” – Bộ trưởng Tô Lâm nhận định.
Chiều 20/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, theo tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có việc thêm trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã.
Theo quy định hiện hành, công an xã chỉ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho rằng xã, phường đứng ngang nhau về mặt hành chính nhưng hiện quy mô công an xã chỉ bằng 1/5. Có nhiều xã tình hình phức tạp hơn phường, như xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những nơi “đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số”. Nếu không bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã, “những bức xúc của người dân không được giải quyết kịp thời”.
“Ví dụ với những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp, có những nơi đi trong xã thôi cũng gần trăm cây số. Nếu chúng ta không tổ chức việc này thì những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện thì càng xa…”, đại tướng Tô Lâm chia sẻ.
Ông khẳng định việc gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng.
Dẫn ra một loạt con số, Bộ trưởng Công an cho biết gần 2 năm qua, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã.
“Có xã thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM, cán bộ công an lên đến 50 người vì xã đó có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác và có 2.000 khách sạn. Nếu công an xã chính quy chỉ 5 người thì không đảm bảo công việc”, người đứng đầu Bộ Công an nói.
Trong số cán bộ công an chính quy, đại tướng Tô Lâm cho biết hơn 50% có trình độ đại học, trên 71% cán bộ từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự. Vừa qua, Bộ tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới – những nơi có vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp.
Từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… “Nếu không phân cấp cho xã rất khó khăn, bởi những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác”, Bộ trưởng nêu.
Tại các tổ thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung trách nhiệm cho công an xã.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hệ thống công an xã hiện nay khá hoàn chỉnh, có vị thế đối với hệ thống công an cả nước. Do đó, bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của Luật. Đây cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra về tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm, nếu không ràng buộc bằng quy định này thì việc nắm tình hình chưa đến nơi đến chốn.
Ông đề nghị Bộ Công an tổng kết, đánh giá hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại, kể cả vấn đề chỗ ở, phương thức hoạt động, sự phối hợp với đảng ủy xã, chính quyền xã, phối hợp với dân quân ở địa phương…
Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn (nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng) nói, theo tinh thần “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã nắm cơ sở”, lực lượng công an chính quy đã về các xã và phát huy được năng lực. Ở Cao Bằng, từ khi có công an chính quy về xã, tội phạm hay các sự việc xảy ra ở bản làng, thôn xóm đều giảm.
“Bổ sung lực lượng công an chính quy mà lại không thêm trách nhiệm thì không đáp ứng được yêu cầu”, ông nói, thêm rằng quy định như dự thảo sẽ “bớt” gánh nặng cho các cấp trên. Hơn nữa, nếu không giải quyết ngay tại cơ sở thì điểm nóng sẽ âm ỉ, phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, tâm lý tội phạm rất quan trọng. “Khi mới bắt, tội phạm rất run sợ, nên ghi lời khai luôn thì họ sẽ khai hết”, ông nói. Công an xã đang làm công việc này nhưng chưa được công nhận. Khi chuyển hồ sơ lên công an huyện, công an huyện phải làm lại lời khai để có tính pháp lý.
“Đề xuất cho công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, để giảm tải số vụ việc phải điều tra của công an huyện”, ông nói.
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết theo quy định, trách nhiệm xử lý tố giác, tin báo tội phạm thuộc công an phường, thị trấn, Đồn Công an, không thuộc trách nhiệm của công an xã. Trong khi những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã, khiến lực lượng này đã có “thay đổi căn bản về chất”.
Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được “chính danh”. Ông Trí cho rằng tất cả diễn biến phức tạp về tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Hồng Anh
Theo Canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon