Năm 2021 là một năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Nhiều y, bác sĩ, công an, sinh viên, tình nguyện viên trẻ tuổi lăn xả nơi tuyến đầu, dốc hết sức mình chống dịch vì đất nước.
Bác sĩ trẻ có nụ cười tỏa nắng giữa tâm dịch
Cuối tháng 5/2021, bác sĩ Đặng Minh Hiệu (28 tuổi), khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, được cử đi Bắc Giang hỗ trợ chống dịch. Trước ngày lên đường, anh quyết định cạo đi mái tóc của mình để gọn gàng hơn, thuận lợi cho việc chăm sóc bệnh nhân.
"Tôi mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến phần nào sức mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và hôm nay tôi đã đạt ý nguyện ấy", bác sĩ trẻ sinh năm 1993 chia sẻ trước giờ lên đường làm nhiệm vụ ở tâm dịch Bắc Giang.
Cha đẻ của "ATM oxy" chiến đấu với Covid-19 nhưng vẫn cung cấp oxy cho F0
Anh Hoàng Tuấn Anh từng được biết đến là cha đẻ của "ATM gạo", "ATM khẩu trang" và gần đây nhất là "ATM oxy". Trong những ngày không may mắc Covid-19, anh vẫn thường xuyên đăng tải lên mạng xã hội việc bản thân trở thành F0 để chia sẻ kinh nghiệm đến mọi người.
Điều khiến mọi người cảm kích nhất là trong khoảng thời gian nhập viện điều trị Covid-19, anh Hoàng Tuấn Anh vẫn tiếp tục công việc điều hành hỗ trợ oxy cho các F0 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở TPHCM tăng trở lại.
Trung úy công an hết lòng hỗ trợ bà con nghèo trong dịch Covid-19
Vừa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, Trung úy Nguyễn Duy Anh (27 tuổi), cán bộ tổ phòng chống tội phạm Công an phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, còn hết lòng hỗ trợ bà con nghèo trong đại dịch Covid-19.
Trong thời gian thành phố Cần Thơ giãn cách xã hội, Trung úy công an Duy Anh không chỉ tham gia giữ gìn trật tự tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát người ra vào địa bàn… mà còn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Hễ xong việc cơ quan là anh tất bật với việc đi trao quà cho bà con gặp khó khăn do Covid-19.
Không chỉ nắm rõ thông tin bà con nghèo cần hỗ trợ trên địa bàn, thông qua mạng xã hội, Trung úy Duy Anh còn trực tiếp tìm đến những lời "cầu cứu" được đăng tải hoặc qua những ứng dụng kêu gọi hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin, anh trực tiếp đến từng nhà hỗ trợ quà.
3 anh em ruột trường Y xung phong lên tuyến đầu chống dịch
Quách Thiều Minh, Quách Gia Nghi, Quách Minh Anh - ba anh em ruột xung phong trở thành tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch. Cả ba anh em đều là sinh viên Đại học Y Dược TPHCM.
Trước khi ba anh em quyết định tham gia "cuộc chiến" chống dịch, họ cũng có những nỗi lo lắng riêng. Đó là: "Lo sợ bị nhiễm bệnh, lo trở thành gánh nặng cho gia đình khi trực tiếp tham gia tại những địa điểm có nguy cơ cao. Nhưng rồi, mình cảm thấy việc được góp một phần công sức nhỏ bé đẩy lùi dịch bệnh là điều hết sức cần thiết. Sau khi tìm hiểu kỹ về những nguy cơ và hiểu rõ cách bảo vệ bản thân, mình quyết định đăng ký làm tình nguyện viên. Mình bắt đầu công việc từ đầu tháng 6, sau đó hai em của mình cũng đồng lòng góp sức vì cộng đồng", anh cả Quách Thiều Minh cho biết.
4 cô gái "xuống tóc" tình nguyện vào bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Để tránh vướng víu khi mặc đồ bảo hộ và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, 4 nữ tình nguyện viên ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM là Trần Ngọc Bích Phương, Lê Thị Đài Trang, Nguyễn Trần Ngọc Lan, Phạm Thị Thùy Trang (tuổi từ 21 đến 26) đã cùng nhau cắt đi mái tóc dài của mình.
Lên đường chống dịch vào tháng 7/2021, ban đầu, các cô gái này chỉ là những người xa lạ. Như một cái duyên, họ được sắp ở chung phòng rồi trở nên thân thiết như một gia đình. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ nhân viên y tế, chăm sóc F0 từ ăn cơm, uống thuốc, tập vật lý trị liệu, thay tã và ga giường, vệ sinh thân thể, theo dõi chỉ số SPO2 đến trấn an, tâm sự, an ủi bệnh nhân, đổ rác, lau dọn phòng bệnh.
Hành trình 25.000 km vận chuyển F0
Đặng Minh Trí (23 tuổi, Quảng Bình) là một trong 10 cá nhân nhận được Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2021 trong tháng 12/2021.
Từ đợt dịch Covid-19 thứ tư, trong ba tháng liên tục, chàng trai đã lái xe cứu thương vận chuyển hàng trăm F0, thiết bị y tế và hỗ trợ công tác truy vết lấy mẫu ở hai tâm dịch lớn là Bắc Giang và TPHCM.
Cuối tháng 8/2021, Minh Trí về quê khi dịch bệnh tại Quảng Bình diễn biến phức tạp. Anh tiếp tục tham gia vận chuyển bệnh nhân đến khu điều trị của địa phương. Tổng hành trình Trí thực hiện dài hơn 25.000 km.
Chàng sinh viên vận động được hàng tỷ đồng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch
Lê Văn Phúc (sinh năm 2002 tại Gia Lai) là sinh viên khoa Địa lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Phúc đã phát động chiến dịch "Anh hùng diệt khuẩn" với phạm vi toàn quốc.
Trong chiến dịch này, nhóm của Phúc đã kêu gọi hỗ trợ hàng chục nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang các loại, với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng để phục vụ vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học, bệnh viện, khu cách ly tập trung, chốt biên phòng, xã biên giới, lao động mất việc làm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chiến dịch của Phúc còn mở rộng ra 8 địa phương lân cận như: Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Nam...
Nhật Chung
ConversionConversion EmoticonEmoticon