Phần lớn các ca nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận hiện nay chỉ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng khi đưa ra kết luận bởi hiện tại các dữ liệu vẫn chưa đầy đủ.
Bằng chứng ban đầu
Theo Reuters, bằng chứng từ các ca nhiễm Omicron đầu tiên hiện còn rất hạn chế. Trong số 70 ca nhiễm biến chủng Omicron ở châu Âu, một nửa bệnh nhân không có triệu chứng và một nửa chỉ có triệu chứng nhẹ, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết.
Hiện chưa có báo cáo nào về trường hợp Covid-19 thể nặng do nhiễm Omicron. Tuy nhiên, ECDC cho rằng, cần thêm dữ liệu của hàng trăm ca nhiễm nữa mới có thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của Omicron. Một phần là bởi, hầu hết các ca nhiễm Omicron hiện giờ ở châu Âu là người trẻ tuổi đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, khiến nguy cơ bệnh nặng ở họ cũng giảm.
Tại Nam Phi, nơi mà số ca Covid-19 đã tăng vọt từ vài trăm ca lên hơn 11.000 ca/ngày, triệu chứng ở người mắc Covid-19 hoặc người tái nhiễm cũng đa phần là nhẹ.
Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA), người đầu tiên phát hiện và cảnh báo về biến chủng Omicron, cho biết các bệnh nhân Covid-19 mà bà điều trị có triệu chứng khác so với trước kia. Họ chỉ có triệu chứng nhẹ là mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, ho nhưng không ai mất vị giác hay khứu giác như người nhiễm chủng Delta.
"Một số bằng chứng từ Nam Phi cho thấy Omicron có thể chỉ gây triệu chứng nhẹ, nhưng tôi cũng muốn lưu ý rằng rất nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Nam Phi ban đầu là các sinh viên trẻ tuổi", Tiến sĩ Carlos Del Rio, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta, bình luận tại một cuộc họp báo của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ ngày 2/12.
Phiên bản "ít thích ứng hơn" của SARS-CoV-2?
Trong khi tiếp tục thu thập thêm các dữ liệu từ thực tế, các nhà khoa học cũng tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để "giải mã" Omicron. Biến chủng này có hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai - cấu trúc giúp virus bám chặt hơn và xâm nhập tế bào cơ thể người. Các vaccine hiện thời có nhiệm vụ nhắm vào các protein gai đó.
"Thông thường, khi virus tích lũy nhiều đột biến, nó sẽ mất đi một số ưu thế", Tiến sĩ John Wherry, Giám đốc Viện nghiên cứu Penn ở Philadelphia (Mỹ,) cho biết. Theo ông, một số đột biến của Omicron có thể làm giảm khả năng phân tách của virus, thay đổi hành vi của protein gai.
Một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, sự xuất hiện của Omicron có thể là do "ổ chứa" virus trong cơ thể những người chưa tiêm chủng hoặc người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, và những virus này có thể thích ứng để không gây tử vong ở vật chủ. Giáo sư Barry Schoub, cựu cố vấn cho WHO về các chương trình vắc xin, Chủ tịch Ủy ban cố vấn về vaccine Covid-19 của Nam Phi, nói rằng điều trùng hợp là khu vực xuất hiện biến thể mới Omicron cũng là nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất.
Trong khi đó, có những giả thuyết cho rằng, Omicron biến đổi và lây lan từ một động vật chủ.
Omicron liệu có thể trở thành biến chủng trội?
Một câu hỏi quan trọng nữa liên quan đến Omicron là liệu nó có thể thay thế Delta trở thành biến chủng trội toàn cầu hay không. Nếu Omicron thực sự trở thành biến chủng trội nhưng gây triệu chứng nhẹ ở người nhiễm bệnh, đó có thể là bước ngoặt để Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu như cúm, Sumit Chanda, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan nghiên cứu miễn dịch và vi sinh học ở San Diego (Mỹ), cho biết.
Tại Nam Phi, số ca Covid-19 đang tăng nhanh chóng mặt cùng với sự xuất hiện của Omicron. Theo dữ liệu của giới chức y tế Nam Phi, số ca mắc trung bình trong ngày cách đây 2 tuần ở nước này chỉ khoảng vài trăm ca, nhưng đang tăng vọt lên hơn 8.500 ca hôm 1/12, và hơn 11.500 ca hôm 2/12. ECDC hôm 2/12 cũng cảnh báo, Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca Covid-19 mới ở châu Âu trong vòng vài tháng tới.
Trong khi giới khoa học tiếp tục nghiên cứu về Omicron, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, con người nên thận trọng, nhưng không quá hoảng sợ biến chủng mới. Họ cho rằng, tiêm đầy đủ vaccine và tiêm mũi tăng cường cũng như đeo khẩu trang ở nơi đông người hay trong không gian kín, rửa tay thường xuyên vẫn là những biện pháp hiệu quả để đối phó mọi biến chủng.
Liên quan đến tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường, sự xuất hiện của Omicron dường như đang làm thay đổi quan niệm của giới chuyên gia.
Nhiều chuyên gia tin rằng, vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả giúp người mắc Covid-19 tránh nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong và vaccine mũi tăng cường chỉ nên dành cho người trên 65 tuổi hoặc người có hệ miễn dịch kém.
Tuy nhiên, ông John Moore, chuyên gia virus tại Weil Cornell Medicine, cho rằng nếu Omicron có khả năng cao chống lại các kháng thể thì việc tiêm vaccine mũi tăng cường là hợp lý.
Minh Phương
Theo Reuters, Washington Post
ConversionConversion EmoticonEmoticon