Nói cho chính xác thì vụ mua - bán bằng cấp ở trường Đại học Đông Đô cũng không thể nói là "chợ" thông thường, quá lắm thì cũng chỉ là "chợ đen"!
Bởi, chợ như ta thường thấy cũng phải được cho phép mới được hoạt động và nó hoạt động công khai, đàng hoàng. Chứ, bằng cấp đâu có được phép kinh doanh mà cũng mua mua, bán bán, rồi cũng mời chào, trích phần trăm dưới cái mác "đào tạo". 29,8 - 35 triệu đồng là mức học phí cho một khóa, một học viên hệ văn bằng hai ngôn ngữ Anh ở Đại học Đông Đô.
Nói "học phí" cho oai chứ đây là giá mua bằng. Bởi đã là "học phí" thì chỉ đơn thuần là khoản tiền nộp vào hoàn thành khóa học, chứ đâu có chuyện bao tiêu "cứ đủ tiền là làm thủ tục cấp bằng" như ông cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô thừa nhận trước tòa!
Còn 7 triệu đồng là mức "hoa hồng" cho một hồ sơ. Cựu Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trần Kim Oanh khai, theo quy định của nhà trường, khi cán bộ mời được học viên tham dự sẽ được nhà trường trích lại một số tiền cụ thể để thưởng trên hồ sơ.
Tính ra tỷ lệ hoa hồng khoảng 20-25%, rất "dễ ăn", bằng cả tháng lương cần mẫn đi dạy của một giảng viên tiếng Anh trên giảng đường! Vậy thì cũng dễ hiểu sao cán bộ trường đại học lại trở thành "nhân viên sale - bán hàng" khi mà cơ chế nhà trường đã ra giá sẵn như thế!
Không biết từ bao giờ trong cái thị trường bằng cấp này lại có cái phương trình "vi diệu" đến thế: 1 có 2 không - Có tiền + không học + không thi = kết quả! Thế nên chưa đầy một năm, từ tháng 4/2018 đến 3/2019, đã có 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả được cấp và trường Đại học Đông Đô thu hơn 7 tỷ đồng. Kể ra là cũng đắt khách đấy chứ!
Trong 210 người được cấp bằng giả thì có 67 người dùng làm nghiên cứu sinh, 9 người dùng để học thạc sĩ, nộp thi ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức.
Khép lại phiên xét xử chiều 24/12, Tòa tuyên án bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) là 12 năm tù, cũng là mức nặng nhất trong các bị cáo có mặt. Các cá nhân khác còn lại cũng phải nhận trách nhiệm hình sự, lĩnh án tù.
Trường Đại học Đông Đô buộc phải truy nộp ngân sách hơn 7,1 tỷ đồng đã thu lời bất chính từ hành vi làm bằng giả. Trong khi đó, kẻ chủ mưu trong vụ án này là bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Đông Đô) vẫn đang bỏ trốn.
Nếu tính hơn 7 tỷ đồng thu lợi bất chính thì vụ án này không phải lớn. Thế nhưng vì sao nó gây rúng động dư luận? Chính bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà nó gây ra với xã hội, xâm phạm các hoạt động hợp pháp của cơ quan tổ chức, gây dư luận xấu, bất bình, mất niềm tin trong xã hội và làm giảm chất lượng đào tạo sau đại học nói chung.
Nay tòa đã tuyên án, các bị cáo được cho là phạm tội lần đầu, không được hưởng lợi hoặc đã nộp lại phần tiền hưởng lợi bất chính nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt, chúng ta không bàn cãi thêm. Thế nhưng, với những người đã mua bằng thì sao nhỉ?
Giả sử vụ việc không vỡ lở ra, họ đương nhiên là những người hưởng lợi, vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình, đáp ứng yêu cầu bằng cấp, rồi còn có thể dùng bằng cấp giả đó để làm bàn đạp thăng tiến trong sự nghiệp. Vậy nhưng, khi HĐXX thay đổi tư cách tham gia tố tụng từ nhân chứng sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì trong số 210 người được triệu tập chỉ có 2 người có mặt tại tòa!
Một bàn tay vỗ không thành tiếng. Bên bán thu tiền, bên mua hưởng dịch vụ, những mối quan hệ mua bán làm đảo lộn toàn bộ giá trị học và thi, khiến bằng cấp bị rẻ rúng và trở thành trò cười không hơn không kém. Vậy nên, người viết cho rằng, trách nhiệm mà bên mua phải chịu cũng không thể chỉ dừng ở mức "khui" sự thật ra là xong chuyện!
Đáng buồn hơn nữa là trong xã hội hiện không chỉ có tình trạng "học giả bằng giả" mà vấn nạn "học giả bằng thật" cũng nhức nhối không kém.
Nếu bằng cấp chỉ là tấm vé "cho có" để qua "vòng gửi xe" thì có cần thiết phải sính bằng cấp đến vậy? Còn đã là một yêu cầu quan trọng thì nhất quyết không thể tồn tại tình trạng cấp bằng dễ dãi như hiện nay được.
Bích Diệp
ConversionConversion EmoticonEmoticon