Khi thế giới đang đau đầu để giải quyết và ngăn chặn mối nguy hiểm từ chủng mới omicron, thì bất ngờ mới đây WHO đã bị khởi kiện cũng vì chủng mới này.
Được biết, doanh nhân Nga khởi kiện WHO với cáo buộc tên gọi Omicron mà tổ chức này đặt cho biến chủng COVID-19 mới đã hủy hoại hình ảnh của công ty mình.
Theo đài RT, doanh nhân trên là ông Alexander Padar, Tổng giám đốc điều hành Mạng lưới Omicron gồm các phòng khám nhãn khoa. Ông Padar đã nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Moskva ngày 30/11 và báo chí địa phương vừa đưa tin về đơn kiện ngày 3/12. Chủ doanh nghiệp nhỏ này khẳng định cần cấm sử dụng từ “Omicron” để đặt tên cho biến thể mới của SARS-CoV-2 cũng như các biến thể khác.
“Tên công ty của chúng tôi đã được đăng ký thương hiệu, chủ yếu dùng trong lĩnh vực y khoa và chăm sóc sức khỏe. Việc đặt tên chủng nCoV mới làm tổn hại tới danh tiếng của chúng tôi”, ông Padar nói.
Mạng lưới Omicron là hệ thống gồm chuỗi các phòng khám nhãn khoa. Cũng theo Padar, ông đã dành rất nhiều tiền để quảng cáo phòng khám của mình.
Nhưng từ khi biến chủng COVID-19 mới lây lan, kết quả tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm làm lu mờ quảng cáo về phòng khám của ông. Vị Tổng giám đốc Mạng lưới Omicron khẳng định, quyết định của WHO khiến công ty mình chịu tổn thất nặng nề về tài chính.
Xuất hiện vào cuối tháng 10, chủng Omicron lây lan tới hàng chục quốc gia và được WHO xếp vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”.
Việc WHO quyết định đặt tên cho biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang mã B.1.1.529 là “Omicron” đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khi nếu theo thứ tự trong bảng chữ cái Hy Lạp thì chữ tiếp theo ngay sau biến thể gần nhất là WHO đặt phải là “Nu” và “Xi”.
Hiện WHO đã liệt 5 biến thể của virus SARS-CoV-2 vào danh sách “đáng lo ngại” và 2 biến thể vào danh sách “đáng quan tâm”, mà cái tên gần nhất là “Mu”.
Nhiều người cho rằng chuyện WHO bỏ qua các tên “Nu” hay “Xi” mà lấy tên “Omicron” là cố ý. “Nu” sẽ dễ gây lẫn lộn với từ “new” (theo nghĩa tiếng Anh là mới” và “Xi” dễ gây ra việc “kỳ thị một khu vực”, theo một biên tập viên cấp cao tại tờ The Telegraph (Anh).
Một nhà báo tại tờ Washington Examiner (Mỹ) thì dẫn một số ý kiến cho rằng “Xi” là “một cái họ phổ biến và phương pháp hay nhất của WHO để đặt tên bệnh tránh gây xúc phạm cho bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp và dân tộc nào”.
“Xi” cũng là phiên âm họ của Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình.
Hãng tin Sputnik ngày 27-11 dẫn lời người phát ngôn WHO – TS Margeret Harris phần nào xác nhận một số giả thuyết liên quan đến chuyện tại sao WHO bỏ qua hai chữ “Nu” và “Xi” trong bảng chữ cái Hy Lạp mà đặt tên biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là “Omicron”.
Cái từ “Nu” có thể khiến mọi người bối rối khi nghĩ nó một biến thể mới hay là một cái tên. Và bởi vì “Xi” là một cái họ phổ biến và chúng tôi đã đồng ý (tuân theo) các quy tắc đặt tên nhằm tránh sử dụng địa danh, tên người, động vật, v.v. để tránh bị kỳ thị”, theo TS Haris.
WHO đặt tên biến thể B.1.1.529 mới được tìm thấy của virus SARS-CoV-2 là “Omicron” trong cuộc họp khẩn cấp vào ngày 26-11, phù hợp với thông lệ đã được áp dụng trước đó là đặt tên các biến thể mới theo các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp thay vì đặt tên chúng theo các quốc gia nơi biến thể này được phát hiện đầu tiên, nhằm ngăn chặn sự kỳ thị.
Hạnh Nhân
ConversionConversion EmoticonEmoticon