Thống kê của nhiều cơ quan cho thấy, sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nữ giới gặp phản ứng phụ nhiều hơn nam giới. Hormone giới tính và yếu tố di truyền được xem là "thủ phạm".
Theo một thống kê của Cơ quan Quản lý dược phẩm Na Uy, trong số 5.635 người báo cáo gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 có tới 4.684 phụ nữ.
Khảo sát của các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cũng cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, khoảng gần 80% số người báo cáo gặp phản ứng phụ sau tiêm là phụ nữ, trong khi ở thời điểm đó chỉ có hơn 60% những người được tiêm chủng ở nước này là nữ giới.
Cũng theo báo cáo này của CDC Hoa Kỳ, nữ giới thường gặp các phản ứng phụ hiếm nhưng nghiêm trọng hơn nam giới. Trong tháng tiêm chủng đầu tiên ở Mỹ (từ 14-12-2020 đến 18-1-2021), hầu hết các phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra sau khi tiêm vaccine nMRA được báo cáo đều ở phụ nữ (95%) và tất cả 19 trường hợp sốc phản vệ đầu tiên được ghi nhận sau khi tiêm vaccine Moderna là phụ nữ. Trong số 47 người gặp tình trạng này sau khi tiêm vaccine Pfizer, 44 người là nữ.
Bên cạnh đó, 15 trường hợp đầu tiên gặp biến chứng đông máu nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin Johnson and Johnson đều là phụ nữ. Một báo cáo của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cũng chỉ ra, hầu hết những người gặp vấn đề đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca là phụ nữ dưới 60 tuổi.
Lý giải về sự khác biệt này, một số ý kiến cho rằng, thói quen là một phần nguyên do. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có thói quen sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn nam giới, vì thế họ có nhiều điều kiện hơn để báo cáo về triệu chứng của mình. Điều đó có thể giải thích tại sao nam giới ít thông báo về tác dụng phụ của vaccine Covid-19 tới cơ sở y tế hơn nữ giới.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về giới tính cũng được cho là một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự khác biệt trong phản ứng với vaccine giữa nam giới và nữ giới. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng phát triển các phản ứng kháng thể mạnh hơn và gặp nhiều tác dụng phụ sau khi tiêm chủng hơn nam giới.
Tiến sĩ, bác sĩ Abisola Olulade đến từ Tập đoàn Y tế Sharp Rees-Stealy cho biết, bà đã nhận thấy sự khác biệt này trong một quá trình dài nghiên cứu các loại vắc xin khác. Đối với vaccine phòng cúm, phụ nữ gặp nhiều phản ứng phụ hơn nam giới, đôi khi gấp 2-3 lần.
Bà cho rằng, nguyên nhân chính là sự khác biệt giữa các hormone giới tính giữa nam và nữ. Hai loại hormone giới tính là estrogen và testosterone đều có khả năng liên kết với bề mặt tế bào miễn dịch, nhưng chúng tác động đến sự hoạt động của tế bào miễn dịch theo chiều khác nhau. Cụ thể, hormone estrogen có khả năng làm cho các tế bào miễn dịch hoạt động mạnh hơn, trong khi đó sự hiện diện của testosterone lại làm ức chế khả năng sinh kháng thể.
Do phụ nữ có lượng estrogen cao hơn nên phản ứng miễn dịch sẽ mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, các nội tiết tố có nhiều ở nam giới như androgen hoặc testosterone lại khiến cho phản ứng miễn dịch của cơ thể yếu hơn, Tiến sĩ Olulade cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Olulade, sự khác biệt trong phản ứng miễn dịch giữa nam và nữ sẽ trở nên rõ ràng hơn sau tuổi dậy thì khi cơ thể tiết ra hàm lượng các hormone này nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến các phản ứng sau khi tiêm vaccine. Cụ thể, một số gen quan trọng liên quan đến miễn dịch nằm ở nhiễm sắc thể X. Ở nữ giới, việc có thêm nhiễm sắc thể X dẫn đến việc gia tăng các protein có liên quan đến phản ứng miễn dịch. Điều này giải thích cho việc tại sao phản ứng miễn dịch ở nữ giới lại mạnh hơn nam giới.
Khi hệ thống miễn dịch quá mạnh sẽ dẫn đến việc nó quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể và sinh ra bệnh tự miễn. Cũng chính vì thế, có hơn 80% các trường hợp mắc bệnh tự miễn được ghi nhận ở nữ giới. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, những phản ứng phụ của vaccine là dấu hiệu cho thấy nó đang phát huy tác dụng và có thể ở phụ nữ tác dụng của nó mạnh hơn nam giới một chút, Tiến sĩ Olulade cho hay.
Linh An
ConversionConversion EmoticonEmoticon