Cái chết của một đứa trẻ vô tội là quá đủ để cả xã hội tự nhìn nhận lại. Phải xem lại chế tài pháp luật với hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em...
"I am not trying to give an image of a fairytale, perfect, everything else, I am just being myself" (Tạm dịch: Tôi không muốn cố gắng xây dựng hình ảnh một tiên nữ, hoàn hảo hay bất cứ điều gì khác, tôi chỉ muốn là chính mình).
Đây phần mô tả tiểu sử trên trang cá nhân của Võ Nguyễn Quỳnh Trang, người vừa bị bắt tạm giam để điều tra, làm rõ về hành vi hành hạ người khác dẫn đến cái chết của cháu gái 8 tuổi ở TPHCM gây chấn động dư luận những ngày qua.
Người có thể dẫn ra câu nói này trên mạng những tưởng phải là một người sống có "chiều sâu", nhưng thật nực cười thay, đó cũng chỉ là sự tô vẽ, tựa như "cái áo không thể làm nên thầy tu" vậy.
"Nhân bất thập toàn", vốn dĩ đó mới là cuộc sống thực, nhưng đáng buồn thay, xã hội đang tồn tại những cách sống quá "ảo" và ngược thực tế.
Những gì mà người ta thấy ở cô gái này là sự sang chảnh và học thức. Thậm chí, cô ta còn tạo nên hình ảnh về một người mẹ hết mực chăm lo, quan tâm, chăm sóc cho con. Bức ảnh "cả nhà thương nhau" trong bữa tiệc sinh nhật người mẹ, nay nhìn lại khi mọi chuyện đã đi qua, lại bỗng khiến ta rợn người. Đời không trả cát-xê, sao phải diễn đến mức ấy?!
Đừng quá xoáy sâu vào câu chuyện "mẹ ghẻ - con chồng" ở đây, vì tôi nghĩ, điều đó sẽ làm tổn thương đến những người cha, người mẹ khác vốn cũng đang đóng vai trò "cha dượng" hay là "mẹ kế". Không nên thiên kiến dù cho "bánh đúc có xương" thì vẫn có nhiều, rất nhiều những người cha nuôi, mẹ nuôi, những người bố dượng, dì ghẻ hết mực thương yêu con trẻ, thương yêu một cách thật lòng như con đẻ.
Nếu có trách, thì những người lớn liên quan đến cháu bé đều đáng trách cả, đặc biệt là bố của cháu!
Điều mà chúng ta phải đối diện ở đây chính là cách hành xử của những người lớn, nhân danh dạy dỗ, nhân danh bảo ban con trẻ, liệu đã làm đúng, làm bằng tình yêu và trách nhiệm hay chưa?
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", đấy là cách giáo dục truyền thống để một đứa trẻ biết sợ, biết nghe lời và biết tuân thủ. Kết quả đổi lại có thể là những bảng thành tích được đăng tải lên mạng xã hội để xem thiên hạ có trầm trồ hay không. Hoặc là được nở mày nở mặt với bà con lối xóm…
Dẫu không hoàn toàn mang tính chất tiêu cực, nhưng ở góc độ nào đó, điều này tồn tại ở những người làm cha, làm mẹ chúng ta và có những lúc đã làm tổn thương đến trẻ, để lại những sẹo trong tâm hồn và cả trên cơ thể của chúng tận khi lớn lên.
Sự nhẫn tâm đến ác độc của một cô gái trẻ bằng đòn roi đối với một đứa bé trong câu chuyện thương tâm kia, có lẽ chỉ nên coi là cá biệt; nhưng việc trẻ bị bạo hành, bị xâm hại lại là chuyện dường như quá quen thuộc mất rồi!
Đến nỗi mà, chỉ cần lên mạng thôi, chưa tới 40.000 đồng đã mua được cả bộ roi mây. Người ta bán với tiêu đề bài rao là "roi mây dạy dỗ trẻ"… Có phải chính vì đã quá bình thường, nên ngay cả khi biết rằng một đứa trẻ bị gia đình đánh đập, người lớn nhìn vào dẫu ái ngại và lo lắng, song cũng chỉ chậc lưỡi rằng "đó là chuyện nhà người ta".
Nếu ở một số quốc gia khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại về sức khỏe và tinh thần, lập tức bố mẹ, người giám hộ sẽ phải giải trình và có thể bị tước quyền nuôi dưỡng, thì ở ta, hình như đang tồn tại sự vô cảm. Đã có bao nhiêu vụ việc rúng động từng xảy ra ngay trong nhà trường và cả trong chính căn nhà, bởi chính bố mẹ, người nuôi nấng trẻ?
Thật buồn khi nhìn lại, thấy rằng dường như bạo hành với con trẻ chỉ xảy ra ở con người, còn loài vật ngược lại, chúng chăm bẵm con rất tận tâm. Nào đã thấy hổ dữ ăn thịt con bao giờ?! Liệu con người, với đủ thứ trang sức, áo quần và cả bằng cấp đẹp đẽ… có thể làm họ trở nên tốt đẹp hơn, cao quý hơn khi không có nổi tình yêu, tình thương với cả một đứa trẻ? Và nếu có trí tuệ, xin hãy biết suy nghĩ kỹ về những điều mà bản thân làm, bởi ngoài tình cảm cảm tính, loài người chúng ta còn có nền tảng đạo đức và pháp luật để điều chỉnh hành vi.
Cái chết của một đứa trẻ vô tội là quá đủ để cả xã hội tự nhìn nhận lại. Phải xem lại chế tài pháp luật với hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, không được phép nương tay, dù bao biện bằng bất cứ lý do gì!
Bích Diệp
ConversionConversion EmoticonEmoticon