Gần đây, Bộ Nội vụ thông báo sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Nhân dịp này, một số đối tượng rêu rao đòi bỏ hẳn Luật này với lý do để các tổ chức tôn giáo có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động an sinh xã hội.
Khi bình luận về vấn đề này trong một bài viết được Blog Điếu Cày dẫn lại, Luật khoa tạp chí dẫn ra các ví dụ là ở Đài Loan và Hàn Quốc không có bộ luật riêng về tôn giáo. Theo họ, nhờ đó mà tôn giáo phát triển tự do và “người dân được hưởng phúc lợi lớn từ các dịch vụ nhân đạo, y tế, giáo dục của các tổ chức tôn giáo”, dù thực tế họ cũng thừa nhận là Đài Loan từng cố gắng xây dựng một bộ luật như vậy nhưng chưa thành công. Ở đây Luật khoa tạp chí đã ngụy biện hai vấn đề, thứ nhất là họ lờ đi các hậu quả của việc không có luật quản lý tôn giáo, và thứ hai là dường như họ cho rằng các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không thể đóng góp cho xã hội vì bị quản lý. Thực tế cho thấy 2 lập luận này đều sai.
Năm 2019, cảnh sát Đài Loan phát hiện một giáo phái trừ tà nguy hiểm ẩn náu trên núi. Kết quả điều tra cho thấy sau khi gia nhập, học viên sẽ bị cấm rời khỏi nơi tu luyện, không được phép tắm rửa, nói chuyện và thường xuyên bị tra tấn, đánh đập dã man trong các buổi lễ trừ tà, có người đã chết. Tại Hàn Quốc vào đầu năm 2020, một giáo phái có tên Tân Thiên Địa đã khiến người dân phẫn nộ vì vi phạm luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm và cản trở công lý. Giáo phái này ngang nhiên tụ tập sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh, trở thành nguồn lây nhiệm với hơn 5000 ca, chiếm 36% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc thời điểm đó. Người sáng lập giáo phái cũng bị cáo buộc đã biển thủ 5,6 tỉ won (4,68 triệu USD) từ các quỹ nhà thờ và tổ chức các sự kiện tôn giáo trái phép trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.
Tại Việt Nam, tổ chức tôn giáo tự xưng Dương Văn Mình đã gây xáo trộn đời sống người dân tộc Mông trong một thời gian dài. Họ truyền bá mê tín dị đoan, khiến bản sắc văn hóa, nếp sống, phong tục tập quán của người dân bị mai một. Tà đạo này còn kích động tín đồ chống lại các chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí một số tín đồ có kết nối với các phần tử xấu để thành lập “Vương quốc Mông”. Mới đây nhất, một tu viện giả danh Phật giáo là Tịnh Thất Bông Lai bị phát giác có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Họ lợi dụng Phật giáo nuôi trẻ mồ côi để trục lợi tiền từ thiện, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, hay thậm chí còn cả tội “loạn luân”.
Tôn giáo dù thuộc môn phái nào thì về bản chất là những tổ chức lớn có quy củ, luật lệ riêng. Trong nhiều trường hợp, có thể thấy các tín đồ của giáo phái thậm chí còn coi những luật lệ riêng này cao hơn tất cả. Điều gì sẽ xảy ra nếu không có luật lệ và chế tài của Nhà nước quản lý họ, và để mặc cho những người đứng đầu giáo phái hô hào kích động các tín đồ của họ? Đinh Hữu Thoại, linh mục phụ tá Giáo xứ Tiên Phước (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) từng có nhiều bài viết, bình luận trên các trang mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch. Linh mục Đinh Văn Minh khi về làm quản xứ Đăng Cao, Nghệ An đã xúi giục nhiều vụ việc giáo dân cố tình chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật, lấn chiếm đất đai. Năm 2017, linh mục Đặng Hữu Nam ở Phú Yên kích động kích động, lợi dụng trẻ em tuần hành và có những lời lẽ bóp méo sự thật về ngày 30/4.Dưới sự quản lý của Nhà nước, Việt Nam hiện là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay khoảng: Phật giáo: 15,1 triệu; Công giáo: 7,1 triệu; Cao đài: 1,1 triệu; Tin lành: 1 triệu; Hồi giáo: 80.000; Phật giáo Hòa hảo: 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).Phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”, các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có nhiều đóng góp tích cực vào các phong trào xã hội. Đơn cử tại Hưng Yên, các tôn giáo đưa ra tôn chỉ “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” của Phật Giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Tin Lành, “Kính chúa, yêu nước” của Công giáo. Hòa quyện cùng truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, những năm qua chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện, bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Tại Tây Ninh, các tôn giáo tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tại Hải Phòng thì có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động từ thiện nhân đạo, vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh trật tự tại địa phương.
Như vậy, việc lập luận rằng phải bỏ luật tôn giáo thì người dân mới có thể hưởng lợi từ các hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo là không có căn cứ. Thực tiễn cũng chứng minh khi không có luật quản lý tôn giáo thì có thể phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng trật tự trị an và thậm chí là an ninh quốc phòng. Với những tổ chức tôn giáo hợp pháp, lành mạnh thì thiết nghĩ họ cũng chẳng phải băn khoăn về Luật quản lý tín ngưỡng, tôn giáo, còn những tổ chức tôn giáo trái phép hoặc chức sắc tôn giáo cực đoan thì họ sẽ bị Luật này chế tài rất nhiều. Với việc cổ súy đòi bỏ Luật tín ngưỡng, tôn giáo, chắc chắn là Luật khoa tạp chí chỉ muốn đẩy mạnh các hậu quả xấu nhằm chống phá, gây bất ổn đất nước.
An Diễm
Theo Canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon