Tổng số lượt xem trang

Khổ vì... test nhanh!

 

ách đây 6 ngày, test sàng lọc ở nhà, cậu con trai gần 9 tuổi của tôi cho kết quả 2 vạch đỏ chót. Nó khóc òa lên vì sợ, còn tôi như có lửa đốt trong lòng, bởi cháu chưa được tiêm vaccine phòng Covid.

Một đêm mất ngủ vì sợ, sáng hôm sau, tôi đưa hai con lên Trạm y tế xã (thuộc TP Vinh, Nghệ An) để test lại, dù sao họ cũng có chuyên môn hơn mình. Đó là một ngày lạnh giá trong đợt lạnh kỷ lục này. Ba mẹ con run cầm cập chờ ở Trạm y tế xã cùng với 2 người khác, trong đó có một người cũng tự test ở nhà có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Câu đầu tiên không phải là động viên 3 mẹ con tôi bình tĩnh mà là thông báo của nhân viên y tế trạm: "Buổi sáng trạm không test, chỉ test vào... buổi chiều". Lý do mà cán bộ trạm y tế đưa ra là do người test ít, trong khi đồ bảo hộ thiếu nên nếu mặc vào để lấy mẫu sẽ rất... lãng phí. Nóng ruột và lo cho con, tôi sẵn sàng trả tiền cho bộ bảo hộ ấy để được test nhưng không lay chuyển được cán bộ y tế. Tất nhiên, vị nhân viên này bảo nếu tôi kiên quyết "đòi" thì chị cũng sẽ làm nhưng như thế là... không tiết kiệm. Tôi đành phải đưa con về trong lạnh giá, tâm trạng xen lẫn đôi chút bực dọc và lo lắng.

Khổ vì... test nhanh! - 1

Cùng với nỗi lo về sức khỏe, người mắc Covid-19 còn thêm nỗi lo về kit test (Ảnh minh họa).

Đề phòng thiếu vật tư y tế như cán bộ y tế dặn dò, buổi chiều tôi mang theo 3 bộ kit test nhanh lên trạm. Tất cả ai có nhu cầu test nhưng không mang theo kit test đều được hướng dẫn nộp 100 nghìn đồng, hoàn toàn không có biên lai nào. Đến lượt tôi, được hướng dẫn nộp 20 nghìn tiền phí dịch vụ. Tôi đưa 50 nghìn đồng cho hai mẫu test bởi gần như chắc chắn con trai tôi dương tính với SARS-CoV-2. 

Tôi và bé gần 3 tuổi may mắn âm tính, cậu con trai 9 tuổi được xác định mắc Covid-19. Con tôi là F0, về yếu tố dịch tễ, tôi và con gái là F1, không thuộc diện phải trả chi phí xét nghiệm nhưng không thấy nhân viên lấy mẫu hoàn trả lại phí dịch vụ. Những người không mang theo kit test khi có kết quả mắc Covid-19, tôi cũng không thấy được hoàn trả lại số tiền lúc nãy đã nộp.

Tôi cũng sẽ cho điều này là bình thường nếu không thấy trên báo phản ánh, tại một số trạm y tế ở các địa phương khác cũng thu tiền test từ 100-120 nghìn đồng/lượt và phí dịch vụ từ 20-30 nghìn đồng đối với người dân tới làm xét nghiệm và đã bị cơ quan chức năng chấn chỉnh.

Không chỉ đối diện với nỗi lo sức khỏe của con trai lớn khi điều trị tại nhà và cách ly, theo dõi đứa con gái, tôi lại phải đối diện với nỗi lo lắng khác. Theo thông báo mới nhất của trạm y tế, tôi phải chủ động thực hiện xét nghiệm cho con và bản thân để kết thúc việc cách ly, điều trị. Lý do được đưa ra là Trung tâm y tế thành phố đã hết kit test nên tạm dừng cấp kit test cho F0, dự kiến phải đến ngày 3/3 tới mới có thể mua được.

Nghĩa là, với F0, F1 như chúng tôi phải tự đi mua kit test để thực hiện xét nghiệm sau 7 ngày cách ly, trong khi đó, thời điểm hiện tại, việc mua kit test không hề dễ dàng. Đồng nghiệp tôi sáng qua chạy khắp mấy quầy thuốc lớn trong thành phố nhưng không mua được kit test. Chưa kể, nếu mua được kit test thì việc thực hiện lấy mẫu cho trẻ con không hề đơn giản. Nhiều người đành chấp nhận thuê dịch vụ lấy mẫu tận nhà với giá dao động từ 100-120 nghìn đồng/lượt. Thôi, tốn kém một tý cũng được, chỉ mong kết quả xét nghiệm được như hi vọng!.

Đọc báo chí, tôi thấy, tình trạng khan hàng, đẩy giá đối với mặt hàng kit test diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có số ca mắc mới cao như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An... Một bộ kit test Hàn Quốc trước đây bán với giá 70.000 thì nay tăng lên tới 110-130.000 đồng, bộ kit test do các nước khác sản xuất cũng tăng 10-30 nghìn đồng/cái mà chưa chắc đã có thể mua được.

Mặc dù chuyên gia khuyến cáo không thực hiện test liên tục mỗi ngày, chỉ test khi có triệu chứng nhưng với tỉ lệ F0 tăng cao như những ngày qua và không phải ai cũng có triệu chứng rõ nét thì việc người dân lo xa, dẫn tới đổ xô đi mua kit test cũng là điều dễ hiểu. Và những F0, F1 như chúng tôi, ngoài nỗi lo cho sức khỏe còn phải thêm nỗi lo về kit test. Trong trường hợp không mua được kit test chúng tôi phải làm sao?.

Ngày 18/2, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng giảm so với trước đây, có hiệu lực từ ngày 20/2. Theo đó xét nghiệm SARS-CoV-2 nhanh mẫu đơn mức thanh toán tối đa không quá 78 nghìn đồng/lần, tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng "loạn" giá xét nghiệm vẫn đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.

Trong hoàn cảnh các thiết bị, sinh phẩm khan hiếm, người dân chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngành y tế với điều kiện các khoản thu chi được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng người dân tự mua kit test, vừa lãng phí, vừa nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh do không xử lý mẫu bệnh phẩm đúng cách. Các cơ quan chức năng cũng phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để chúng tôi không phải chạy lòng vòng trên đường phố tìm cửa hiệu bán kit test và chịu chấp nhận mức giá cao chót vót mới mua được.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son