Lợi dụng phát ngôn của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tình hữu nghị quốc tế, “Lúc hoạn nạn mới biết bạn là ai” trong công tác ngoại giao vaccine, Việt Nam Thời Báo xuyên tạc rằng điều này thể hiện sự thay đổi tư duy của Chính phủ trong việc tìm kiếm đồng minh.
Có thể nói công tác ngoại giao vaccine là một sứ mệnh xoay chuyển tình thế trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Nước ta từ chỗ tưởng chừng không thể có đủ vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho người dân, nay đã tiếp nhận hơn 200 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và trở thành một trong những quốc gia bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Kết quả này đạt được chính là nhờ các hoạt động ngoại giao vaccine đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, nhất quán, hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thành công của công tác ngoại giao vaccine là quá rõ ràng, “ai cũng phải thừa nhận”, “không thể không thừa nhận được”. Thủ tướng dẫn chứng, trong 210 triệu liều vaccine chúng ta đã tiếp nhận thì có tới gần 1 nửa là từ nguồn viện trợ qua các cơ chế đa phương và song phương.
Thủ tướng cho biết, vào thời điểm chưa có vaccine, chưa có thuốc, chưa hiểu nhiều về virus gây bệnh Covid-19, chúng ta đã phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Nhưng chúng ta cũng học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia đi đầu trong chiến dịch đẩy lùi dịch Covid-19 và biết rằng, giãn cách xã hội hay phong tỏa chỉ là biện pháp nhất thời, trước mắt, phù hợp với một số khu vực hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù không có quốc gia nào dám cam kết rằng hiệu quả phòng Covid-19 của vaccine là phòng ngừa 100%, tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá vaccine chính là vũ khí hữu hiệu nhất nhằm đưa cả thế giới bước đến giai đoạn miễn dịch cộng đồng. Kết quả là ngay khi có vaccine, tích lũy được kinh nghiệm, Việt Nam đã lập tức chuyển đổi trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Mặc dù các nỗ lực chống dịch của Chính phủ bao gồm ngoại giao vaccine đã đem lại hiệu quả thiết thực, đẩy nhanh mục tiêu miễn dịch cộng đồng trên cả nước, thế nhưng các thế lực thù địch, đối tượng phản động và một số thành phần bất mãn vẫn liên tục đưa ra các luận điệu suy diễn, xuyên tạc. Chúng rêu rao rằng chính sách chống dịch khi chưa có vaccine của Việt Nam là sai lầm, là “kiêu ngạo”. Chúng bôi nhọ rằng lãnh đạo cấp cao Việt Nam lần lượt thay nhau đi “xin” vaccine nhưng không được quốc tế “cho”; vaccine xuất xứ từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng để tiêm cho toàn dân; rồi thì có Quỹ vaccine nhưng lại phải đi “xin” và đòi Chính phủ “sao kê” …
Đến khi công tác ngoại giao vaccine đã thành công, thì chúng lại xoáy vào cách thức tiến hành. Cụ thể, khi Thủ tướng ca ngợi tình hữu nghị quốc tế trong việc nhiều nước đã viện trợ, nhượng lại vaccine cho Việt Nam và việc chúng ta chủ động diễn đàn đa phương quốc tế thì chúng cho rằng Chính phủ đã thay đổi tư duy trong việc lựa chọn đồng minh “Biết người, biết ta và hiểu rõ ai là bạn tử tế”. Thực tế thì đây là một luận điệu hết sức khiên cưỡng. Khi nhìn vào danh sách các quốc gia viện trợ vaccine cho Việt Nam theo cơ chế song phương và đa phương có thể thấy nhiều quốc gia đang là đối tác, bạn bè truyền thống lâu nay. Điều khác biệt chỉ là Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia diễn đàn đa phương, từ đó tranh thủ được thêm nhiều nguồn lực quốc tế.
Không thể có thành công to lớn trong công tác ngoại giao vaccine nếu không có sự tham gia đồng lòng của toàn hệ thống chính trị. Không thể có sự tham gia đồng lòng của toàn hệ thống chính trị nếu không có một chủ trương, chính sách nhất quán và sáng suốt. Luận điệu cho rằng Chính phủ thay đổi tư duy đồng minh chỉ là một tư duy xuyên tạc, sai trái, nối dài những lý lẽ chống phá nhằm vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lâu nay.
An Diễm
ConversionConversion EmoticonEmoticon