Bản tin COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho biết số tỉnh thành ghi nhận từ 1.000 ca mới/ngày trở lên đã tăng lên con số 34 trong ngày 1-3, trong đó cao nhất là Hà Nội với 13.323 ca, cao nhất từ trước đến nay.
So với tuần trước, số địa phương ghi nhận từ 1.000 ca mắc trở lên đã tăng thêm 9 tỉnh thành. TP.HCM sau nhiều tháng có số mắc thấp, từ ngày 22-2 trở lại đây đã tăng trở lại và trong 1 tuần vừa qua có 4/7 ngày ghi nhận trên 2.000 ca mắc/ngày.
Số mắc mới ghi nhận đang rất cao tại các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, nhưng Tây Nam Bộ thì ngoại trừ Cà Mau, 12/13 tỉnh thành còn lại có số mắc mới hằng ngày rất thấp, như Hậu Giang ngày 1-3 chỉ ghi nhận 5 ca mới, Tiền Giang 8 ca mới…
Do số mắc mới tăng cao nhưng số chuyển nặng, số tử vong thấp hơn giai đoạn trước, tỉ lệ tử vong/số mắc tại Việt Nam đã giảm xuống mức 1%. So với cuối tháng 2, số ca chuyển nặng đã tăng thêm và hiện xấp xỉ 4.000 ca.
So sánh tuần này với tuần trước, Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới COVID-19 tăng hơn gấp đôi, số tử vong tăng 29,4%, số điều trị tại bệnh viện tăng 21,6%, số ca nặng, nguy kịch tăng 8,9%.
Bộ Y tế: Bán thuốc COVID-19 đúng giá, hướng dẫn đầy đủ cho người dân cách dùng
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tăng cao và để tránh mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định, tăng giá bất hợp lý; ngày 1-3, Bộ Y tế có văn bản về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.
Đối với các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tăng cường tập huấn các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Bộ cũng đề nghị các cơ quan chức năng, quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết. Kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý.
Các tổ chức, cá nhân nào vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Đối với các cơ sở kinh doanh dược, các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về dùng thuốc theo đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị COVID-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược.
Hiện Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành và công bố giá 3 loại thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị COVID-19.
Cụ thể:
1. Thuốc Molnupiravir (400mg) dạng viên nang cứng do Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
2. Giá của thuốc Molnupiravir (200mg) dạng viên nang của Công ty cổ phần hóa – dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
3. Giá bán của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng). Mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Từ 1-3 dừng hỗ trợ công đoàn viên mắc COVID-19
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có thông báo cho biết đã dừng thực hiện quyết định 3749 ngày 15-12-2021 của cơ quan này về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (mức hỗ trợ từ 1,5-5 triệu đồng tùy trường hợp) kể từ 1-3.
Theo đó, kể từ 1-3, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (kể cả F0 tử vong) được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp của công đoàn. Trước 1-3, khoản hỗ trợ kể trên là 1 trong 4 chính sách mà F0 được hưởng.
TP.HCM: 1.350 nhân viên y tế được tập huấn tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở trẻ từ 5 – 11 tuổi
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa tổ chức lớp tập huấn “An toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 – 11 tuổi”.
Lớp tập huấn này dành cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận/huyện trên địa bàn TP, nhằm chuẩn bị trước cho công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở trẻ từ 5 – 11 tuổi tại thành phố diễn ra an toàn.
Theo kế hoạch, đợt tập huấn sẽ tập huấn trực tiếp cho khoảng 1.350 nhân sự thuộc các đội tiêm trên địa bàn và chia thành 7 lớp (1 lớp/ngày) bắt đầu từ ngày 1-3 đến 11-3-2022. Các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ hướng dẫn các lớp tập huấn này.
Nội dung của lớp tập huấn bao gồm hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vắc xin; cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng, quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.
UBND TP.HCM cũng vừa có quyết định giải thể Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện quận Phú Nhuận và Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo đó, UBND TP giao giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh viện điều trị COVID-19.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng có quyết định giải thể trung tâm cách ly tập trung F0 tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc và trung tâm cách ly tập trung F0 tại cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá trực thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Hà Nội tối 1-3 thông tin trong 24 giờ ghi nhận thêm 13.323 ca COVID-19 mới (tăng gần 500 ca so với hôm qua), trong đó có 5.214 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (798), Nam Từ Liêm (761), Long Biên (721), Mê Linh (692), Bắc Từ Liêm (649), Thanh Xuân (570), Thanh Trì (565).
Tới hết ngày 28-2, cả nước có hơn 1,16 triệu F0 đang điều trị tại nhà, riêng Hà Nội có gần 549.000 ca (chiếm 47,4% tổng cả nước và hơn 98,6% tổng số F0 đang điều trị ở Hà Nội). Ngoài ra có hơn 900 ca điều trị tại các khu cách ly ở Hà Nội, hơn 6.300 ca khác phải nhập viện điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3. Trong số đó, có hơn 1.100 ca có triệu chứng nhẹ.
Hơn 4.100 ca triệu chứng trung bình (tăng hơn 16% so với trung bình 7 ngày trước). Số còn lại 1.018 ca nặng/nguy kịch (tăng gần 13%), trong đó có 360 ca điều trị ở hai bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Đại học Y Hà Nội. Hiện tại các bệnh viện ở Hà Nội (trung ương và Hà Nội) có 49 ca COVID-19 phải lọc máu, 47 ca thở máy, 48 ca thở máy không xâm lấn…
– Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, hiện nay số ca COVID-19 trên địa bàn tăng nhanh, trung bình trên 500 ca/ngày. Ngày 1-3, ghi nhận thêm 527 ca COVID-19. Từ đầu năm 2022 đến ngày 28-2, tỉnh ghi nhận 13.153 ca mắc, trong đó có 18 ca tử vong.
Do ca mắc COVID-19 tăng nhanh đã dẫn đến thiếu vật tư, hóa chất, test phục vụ công tác xét nghiệm, phòng xét nghiệm luôn quá tải. Ngành y tế Quảng Trị đề nghị cơ chế xã hội hóa trong công tác xét nghiệm, trang bị thêm oxy và một số phương tiện điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị tầng 2 và tầng 3.
Đến hết ngày 28-2, số người trên 18 tuổi đã được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi là 449.297 người (đạt 99,22%). Số người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi là người 416.875 (đạt 92,06%). Trẻ em 12-17 tuổi đã được tiêm 1 liều là 65.017 người (đạt 99,53%), tiêm đủ 2 liều là 59.323 (đạt 90,81%). Số người tiêm mũi bổ sung, tăng cường là 184.779 người (đạt 40,80%).
– Tỉnh Điện Biên tiếp tục ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỷ lục. Ngày 28-2 ghi nhận 1.228 ca COVID-19. Trong đó có 412 bệnh nhân được phát hiện thông qua giám sát y tế ho, sốt tại cộng đồng. Trong đợt dịch mới từ ngày 5-2 đến nay, phát hiện 12.237 ca bệnh, trong đó nhiều ca được phát hiện thông qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Điện Biên hiện đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán và liên tục ghi nhận mức “đỉnh” với hơn 1.000 ca mới mỗi ngày.
Khai Tâm
Theo Canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon