14/3 hàng năm là ngày chúng ta tri ân những chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như một thói quen đã được lập trình sẵn bao nhiêu năm: Việt Tân, Đài Á Châu Tự Do tiếp tục đăng đàn phô diễn luận điệu “Trận Gạc Ma đã không được nhà nước Việt Nam thông tin đầy đủ và ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông”, “Những cái chết này là một sự kiện lịch sử cần phải làm rõ ai là thủ phạm trực tiếp, trói tay bộ đội bằng chính sách kềm chế trước đội quân hung hãn Trung Quốc”, “Báo chí Trung Quốc hàng năm vẫn nhắc lại như một chiến thắng. Còn phía Việt Nam thì im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến”.
34 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hình ảnh các chiến sỹ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, vẽ thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca còn vang vọng mãi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, nhắc nhớ con cháu phải quyết giữ vững từng tấc đất, lãnh thổ, hải giới mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ.
Ngay sau sự kiện, Việt Nam đưa ra tuyên bố về vụ việc Trung Quốc gây hấn trên biển ngày 14/3/1988 với toàn văn nội dung được đăng trên báo Nhân dân số ngày 15/3/1988. Trong hơn 30 năm qua, bằng những hành động tri ân khác nhau, các cựu binh Gạc Ma cùng người thân, bạn bè và toàn thể dân tộc Việt Nam luôn nhớ đến sự hy sinh của các anh. Hình ảnh mỗi chiếc tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988. Đặc biệt, năm 2017, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời” đã được khánh thánh tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Đây là nơi nhắc nhớ về sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ mà vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến đây dâng hương dâng hoa tưởng niệm. Rõ thấy, Việt Nam chưa bao giờ “im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến” như luận điệu vu khống của Việt Tân.
Ngày nay, đất nước và nhân dân Việt Nam ghi nhớ sự kiện Gạc Ma, không phải để khơi dậy lòng thù hằn mà để tưởng nhớ và tri ân người đi trước đã ngã xuống vì Tổ quốc, để thế hệ sau sống có trách nhiệm và yêu Tổ quốc mình hơn… Trung tá, cựu binh hải quân Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu săn ngầm 07 (Lữ đoàn 171), từng nói: “Máu xương hôm qua đổ xuống là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển, đảo bằng sức mạnh dân tộc. Trận chiến Gạc Ma đã được ghi trong chính sử Hải quân. Trận chiến ấy là nỗi đau mang hồn Tổ quốc. 64 liệt sĩ đã ngã xuống, mãi mãi bất tử trong lòng nhân dân”. Đây mới là điều mà mỗi người dân Việt Nam cần ghi nhớ chứ không phải là tư tưởng hận thù. Làm căng với Trung Quốc bây giờ thì Việt Nam cũng không lấy lại được Gạc Ma, 64 chiến sĩ cũng sống lại được mà chính người nông dân, người lao động Việt Nam gặp bất lợi. Hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến uy tín, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kể từ hải chiến Gạc Ma, Việt Nam không chỉ cảnh giác hơn với Trung Quốc, nỗ lực đấu tranh bằng ngoại giao mà chúng ta còn đẩy mạnh phòng thủ ở thực địa. Cho đến nay, các vị trí đảo đá thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Hải quân và nhân dân Việt Nam củng cố và bảo vệ vững chắc.
Phải nhắc lại rằng, nguyên tắc ứng xử trên biển Đông của chúng ta trước nay vẫn là “Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương ngay cả trong năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay. Ở đây, “không nổ súng trước” thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sự đấu trí, đấu lực của bộ đội hải quân ta trước trò khiêu khích của hải quân Trung Quốc, khác hẳn “không được nổ súng”. Về việc này, một nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma, cựu chiến Lê Hữu Thảo, khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc phòng tham mưu lữ đoàn 146 ở trên tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 khẳng định: “Thực tế lúc đó, phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn, chúng tôi làm nhiệm vụ cách tàu một khoảng xa nên không có mệnh lệnh nào là không được nổ súng cả”.
Dù xưa hay nay thì Việt Nam vẫn luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng. Ứng xử của Việt Nam về các vấn đề Biển Đông chưa bao giờ thay đổi mà chỉ phát triển lên những tầm cao hơn, linh hoạt và khéo léo hơn. Thế nên những luận điệu kích động bạo lực nhằm vào đường hướng đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, chia rẽ khối đại đoàn kết, đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân chính là tội ác. Đặc biêt, càng vô nhân đạo hơn khi lợi dụng sự hy sinh của 64 chiến sỹ để phục vụ mưu đồ chính trị bất chính.
Phù Vân
ConversionConversion EmoticonEmoticon