Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lại “mượn gió bẻ măng” để chống phá chính sách đất đai của Việt Nam.
Đất đai và sở hữu đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một quốc gia chỉ có thể tồn tại khi có một lãnh thổ riêng, độc lập. Trên thế giới, nhiều cuộc chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì việc xâm chiếm đất đai và tài nguyên gắn liền với đất đai. Vì vậy, việc quy định về chính sách đất đai không chỉ là vấn đề về xác định quyền sở hữu mà còn mang yếu tố chính trị.
Theo quy định của pháp luật, tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi theo quy định của Hiến pháp: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1), “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ” (khoản 2, Điều 2).
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, không ít ý kiến đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai. Sau khi Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII diễn ra, lợi dụng việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, một số đối tượng cơ hội chính trị lại “nhai lại” về vấn đề này. Luận điểm mà họ đưa ra là “sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm mơ hồ”, “người dân không có thực quyền gì đối với đất đai”, “phải thay đổi chính sách đất đai mới có thể phát triển kinh tế”,… Đặc biệt, lợi dụng những sai phạm trong công tác quản lý đất đai của một số địa phương, các “nhà bình loạn” càng được đà lấn tới, ra sức tấn công chính sách sở hữu đất đai về toàn dân của Việt Nam.
Phải thấy rõ, sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân về đất đai đều tồn tại những mặt tích cực và hạn chế. Việc lựa chọn chính sách nào về đất đai phụ thuộc vào định hướng phát triển, yếu tố lịch sử, tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia. Không phải cứ sở hữu toàn dân về đất đai là tiêu cực như những gì các đối tượng chống phá đang cố tình lan truyền.
Đánh giá về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tại Việt Nam, đây là chính sách phù hợp với tình hình chính trị cũng như định hướng phát triển của Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cũng như ánh sáng, nguồn nước, không khí, đất đai là thứ thuộc về tự nhiên, khi con người sinh ra đã có. Vì vậy, việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân là điều đúng đắn.
Thứ hai, việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trên thực tế, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. Người sử dụng đất hoàn toàn có quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
Thứ ba, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý để bảo đảm việc sử dụng đất một cách hợp lý, đúng định hướng phát triển của đất nước. Hiện nay, việc sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc là: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh; người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc quy hoạch đất đai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Giả sử, trong trường hợp đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì chắc chắn vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều hành trên lĩnh vực đất đai sẽ bị giảm sút, không thể bảo đảm các nguyên tắc nêu trên. Về lâu dài, việc sở hữu tư nhân về đất đai sẽ có thể kéo theo sự tích tụ đất đai vào một số cá nhân, tạo ra sự bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách phân hoá trong xã hội do nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không thể tiếp cận với tư liệu sản xuất.
Thứ tư, chế độ sở hữu đất đai góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nói thẳng, trong trường hợp chúng ta công nhận sở hữu tư nhân về đất đai thì khả năng cao tư bản nước ngoài sẽ vào “mua đứt” đất đai. Khi đất đai không còn trong tay người Việt thì chính người Việt sẽ tha hương trên Tổ quốc mình. Nên nhớ, khi Dự án Luật Đặc khu được đưa ra, việc quy định cho nước ngoài thuê đất 99 năm đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Từ đây, hãy liên tưởng nếu đất đai được sở hữu tư nhân thì điều gì sẽ xảy ra?
Với thực tiễn Việt Nam, vấn đề hiện nay không phải là thay đổi chính sách đất đai. Điều cần làm rõ hiện nay là hoàn thiện pháp luật để phòng ngừa sai phạm, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò, thẩm quyền của các cơ quan công quyền khi thực hiện công tác quản lý đất đai, đại diện chủ sở hữu,…
Bảo An
Theo Canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon