Mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện học sinh một trường quốc tế đánh nhau kéo nhau xung đột giữa những người lớn. Ai cũng có cái lý của mình, và ai cũng có lỗi, nhưng làm sao để tốt nhất cho những đứa trẻ thì dường như người ta chưa tính đến.
Câu chuyện bắt đầu khi một học sinh bị bắt nạt, vị phụ huynh đến yêu cầu trường giải quyết. Thế nhưng trái với mong đợi làm cho “ra ngô ra khoái” của phụ huynh, thì trường tỏ thái độ phớt lờ và muốn các phụ huynh tự làm việc với nhau bên ngoài cổng trường. Cái lý của họ là cần bảo đảm riêng tư và sự an toàn cho trẻ nhỏ, người lớn không nên can thiệp vào chuyện riêng của các em (theo kiểu phương Tây), nhưng không tính đến yếu tố tinh thần và gắn kết cộng đồng của phương Đông. Và “quả bom” bùng nổ khi phụ huynh đến trường đôi co, tung tin lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Việc có nhiều người, hay ít nhất một nửa số người đồng tình với vị phụ huynh kia chứng tỏ cách phản ứng của cô có phần đúng đắn, và đại diện cho tâm tư, tình cảm của nhiều người. Sau khi các Bộ, Ban, Ngành vào cuộc thì chính trường quốc tế cũng phải lên tiếng nhận “một phần trách nhiệm” là đã xử lý không khéo, không kịp thời. Tâm lý các bậc cha mẹ ai cũng bảo vệ con, và người ta sẽ càng sốt sắng khi cảm thấy những người có liên quan “không chơi đúng luật”, “không hành xử đúng trách nhiệm” khiến con mình thiệt thòi. Và liệu trường quốc tế đó có nhận trách nhiệm không, nếu phụ huynh không lên tiếng? Trong khi trường đã thu số tiền học phí mỗi ngày bằng cả tháng của những người nghèo.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhà trường là bản sao của xã hội, và việc có những xung đột, ức hiếp là chuyện xảy ra ở mọi nơi. Các con cần học được cách “sống chung” và “khẳng định chính mình”. Thời đi học là khoảng thời gian mà nhân cách, trải nghiệm và bản lĩnh của các bạn trẻ là chưa đủ và chưa hoàn thiện. Các bạn (cả nạn nhân lẫn kẻ ăn hiếp) đều có quyền được mắc sai lầm và có quyền được từng bước sửa sai. Việc có những cọ xát, dù không mong muốn, mang lại nhiều kinh nghiệm sống hơn là những mất mát về tinh thần trước mắt. Nếu mọi việc, mọi thứ đều hoàn hảo thì chúng ta không có môi trường trưởng thành ấy mà chỉ có những “chuồng gà công nghiệp” mà thôi.
Vấn đề là, cách hành xử của phụ huynh và nhà trường phải làm sao cho khéo, làm sao dung hòa giữa việc bảo vệ con nhưng không được can thiệp thái quá, tạo ra những bài học sai lầm hay những hiệu ứng ngược lại từ xã hội làm tổn thương cho những đứa trẻ. Ở độ tuổi quá nhỏ, người bắt nạt hay kẻ bị ức hiếp đôi khi cũng không suy nghĩ quá nặng nề, nhưng nếu xung đột trẻ con đẩy lên thành “chiến tranh người lớn” thì trẻ có thể đối mặt với nguy cơ bị bạo hành và những điều tiếng không đáng có. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, thậm chí dù là bên được bênh vực thì sự tổn thương cũng có thể đến từ “tiếng vỗ tay” của những người xem.
Trường học và thời gian học tập là “lộ trình” để một đứa trẻ hình thành nhân cách và bản lĩnh sống. Việc đối mặt với những hành vi không tốt, những xung đột trong tập thể để học cách chế ngự, hòa đồng, tránh xa hiểm nguy sẽ đóng góp rất nhiều cho con người tương lai của các em. Khó khăn giúp tôi luyện ý chí vượt khó, can đảm, xung đột giúp tôi luyện khả năng xử lý tình huống. Đó là những điều cơ bản mà các em cần có cơ hội sống chung để học hỏi, dù rủi ro không ít. Mấu chốt là ta giữ cho các con được một sự an toàn. Như không ngại thả cho chim con đập cánh tập bay, nhưng luôn sẵn sàng ứng cứu vào giây phút cuối trước khi rơi chạm đất.
An Diễm
ConversionConversion EmoticonEmoticon