Tổng số lượt xem trang

Tổng Bí thư: Không ít cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu

 

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở.

Ngày 4/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ 5 để thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thêm một số vấn đề, có tính chất gợi mở, trong đó có nội dung về 2 đề án: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng

Theo Tổng Bí thư, lâu nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đều rất quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên theo đúng tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Phong trào xây dựng "đảng bộ bốn tốt", "chi bộ bốn tốt", "đảng viên bốn tốt" được phát động và duy trì thường xuyên ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những nơi có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp. 

Tổng Bí thư: Không ít cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu - 1

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng (Ảnh: Quốc Chính).

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thậm chí một số nơi còn xem nhẹ. Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng; vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu. 

Cạnh đó, năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, Bí thư cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nội dung, chế độ sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chậm đổi mới. Nhiều nơi, chi bộ chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, tiên phong, gương mẫu nên nhân dân chưa thực sự tin tưởng.

"Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng", Tổng Bí thư lưu ý.

Vì vậy, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Kết luận số 38 của Bộ Chính trị khóa XII và xây dựng dự thảo Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới trình Trung ương xem xét, quyết định tại hội nghị lần này.

Đề án đã đề cập một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện nghị quyết và kết luận, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân. Từ đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới. 

Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề nêu trong tờ trình, để sau Hội nghị Trung ương lần này có một chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta.

63 tỉnh thành nhất trí lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo Tổng Bí thư, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng đề án này.

Tổng Bí thư: Không ít cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu - 2

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 10/5/2022 (Ảnh: Quốc Chính).

Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020; xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới. 

Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án.

Tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 4/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bắt đầu họp hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung:

1. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

2. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

4. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

5. Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son