Mới đây, trang Vivekananda International Foundation (VIF) đã có bài viết với tiêu đề “Ấn Độ và Việt Nam: 50 năm quan hệ ngoại giao”, được thể hiện dưới ngòi bút của nhà nghiên cứu cấp cao của Ấn Độ Rajaram Panda. Ngoài ra, trang India Times cũng có bài viết nâng cao quan hệ 2 nước nhân kỷ niệm này.
Năm 2022 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng của cả hai nước và là tiền đề để phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong những năm tới.
Hơn 50 năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, an ninh- quốc phòng, khoa học-công nghệ, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và ngoại giao nhân dân. Mặc dù cả Ấn Độ và Việt Nam có hệ thống chính trị khác nhau, nhưng hai bên lại có nhiều điểm tương đồng về lợi ích kinh tế và chiến lược. Sự hội tụ chính trị này được thúc đẩy bởi các liên kết lịch sử và văn hóa.
Quan hệ đối tác vì hòa bình
Quan hệ đối tác vì hòa bình giữa Việt Nam và Ấn Độ thể hiện rõ nét trên khía cạnh hợp tác quốc phòng – an ninh, trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. So với các trụ cột khác, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này bắt đầu muộn hơn nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Trước năm 1990, Việt Nam và Ấn Độ chưa xây dựng hợp tác quốc phòng – an ninh, chủ yếu vì quan điểm không liên kết của Ấn Độ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau năm 1990, hợp tác quốc phòng – an ninh Việt Nam – Ấn Độ bắt đầu được khởi xướng và dần trở thành lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước.
Về hợp tác quốc phòng, dấu mốc đầu tiên về hợp tác trong lĩnh vực này là Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 1994 được ký kết giữa hai nước. Tuy nhiên, phải sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1998, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ mới chính thức được triển khai.
Từ đó, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo quân đội cấp cao hai nước được tiến hành. Đáng chú ý, tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes đến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó đặc biệt quan trọng là nghị định thư mới về hợp tác quốc phòng với những nội dung chính: Thể chế hóa khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng Quốc phòng; tiến hành đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ; tiến hành tập trận hải quân chung; không quân Ấn Độ đào tạo phi công cho không quân Việt Nam.
Qua đó, Ấn Độ giúp Việt Nam xây dựng một lực lượng quân sự mạnh hơn; hỗ trợ tích cực Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác đào tạo và công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp và xây dựng đội tàu chiến và máy bay tuần tra cũng như các nhân viên kỹ thuật trong lực lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân và các chuyên gia kỹ thuật trong quân đội.
Hiện nay, hợp tác quốc phòng tiếp tục là trụ cột chính trong quan hệ giữa hai nước và là yếu tố quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước liên tục được củng cố thông qua các cơ chế, hình thức trao đổi, tiếp xúc.
Việt Nam và Ấn Độ cũng hợp tác tích cực về công nghiệp quốc phòng. Ấn Độ đã dành cho Việt Nam những gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD (năm 2014) để giúp Việt Nam mua 12 tàu tuần tra tốc độ cao và 500 triệu USD (năm 2016) để mua trang thiết bị quân sự từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, như chống khủng bố, an ninh hàng hải và an ninh mạng. Về chống khủng bố, hai nước hợp tác chống khủng bố xuyên biên giới, tham gia Công ước Toàn diện về khủng bố quốc tế (CCIT), chống tài trợ khủng bố, không biện minh cho khủng bố…
Về an ninh hàng hải, Ấn Độ và Việt Nam tiến hành đối thoại an ninh hàng hải. Ngoài ra, hai nước tăng cường hợp tác để đối phó hiệu quả với các hiểm họa an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, an ninh năng lượng, dịch bệnh HIV/AIDS…
Quan hệ đối tác kinh tế lâu bền
Hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ trong những thập niên đầu thiết lập quan hệ ngoại giao còn rất hạn chế. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, hợp tác kinh tế giữa hai nước bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực. Cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới của Việt Nam và cải cách kinh tế của Ấn Độ, nhu cầu phát triển kinh tế thôi thúc sự gia tăng liên kết thương mại giữa hai nước.
Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương có thêm động lực mới khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và hai nước tham gia các cơ chế hợp tác khu vực Ấn Độ Dương – ASEAN, và hợp tác Mekong – sông Hằng được hình thành.
Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ đạt nhiều kết quả nổi bật trên cả hai lĩnh vực thương mại và đầu tư. Thương mại song phương tăng từ 237 triệu USD (2001-2002) lên 10,135 tỷ USD (2016 – 2017). Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng mạnh sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa khu vực ASEAN – Ấn Độ (AITIG) có hiệu lực và Ấn Độ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường (năm 2010).
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chiếm 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Nam Á. Năm 2015, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 17 của Việt Nam, trong khi đó ở chiều ngược lại, Ấn Độ là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 11 của Việt Nam.
Từ năm 2016, với việc nâng cấp quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế là một trong những mục tiêu chiến lược của hai nước. Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và là trụ cột quan trọng của Ấn Độ trong quan hệ giữa nước này với ASEAN.
Hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu.
Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện, năm 2021, thương mại song phương đã vượt ngưỡng 12 tỷ USD. Hai nước nỗ lực thực hiện tổng thể các biện pháp để đạt mục tiêu trao đổi thương mại song phương 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Về đầu tư, Ấn Độ là một trong những nước sớm đầu tư vào Việt Nam. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, mặc dù là nước thiếu vốn và cũng cần thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hằng năm, Chính phủ Ấn Độ vẫn dành cho Việt Nam những khoản vay tín dụng nhất định. Đơn cử như, những năm 1996-2001, Ấn Độ cho Việt Nam vay khoản tín dụng tương đương 12-15 triệu USD để nhập trang thiết bị cho các dự án nông nghiệp, chế biến nông sản, phát triển công nghiệp luyện kim, sản xuất toa xe lửa và phụ tùng…
Triển vọng tương lai
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu sự tác động bởi những yêu cầu đặt ra của tình hình và mục tiêu phát triển của mỗi nước. Kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) và Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Việt Nam được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng cho thấy có nhiều điểm hội tụ với tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước của Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đều là hai đất nước đầy khát vọng với dân số trẻ.
Việt Nam có khát vọng trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045 thông qua phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo là những lĩnh vực được ưu tiên. Đây là những khía cạnh mà Ấn Độ có thế mạnh và hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác.
Hai nước cũng sẽ hợp tác cùng nhau về an ninh hàng hải, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong hợp tác khu vực và đa phương, hai nước tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực, châu Á và thế giới; ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng.
Để mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong thời gian tới, hai nước tập trung vào những ưu tiên sau:
Một là, kết nối, bao gồm kết nối đường bộ, đường biển và đường hàng không, tham gia kinh doanh trực tuyến; du lịch và giao lưu nhân dân.
Hai là, xây dựng kế hoạch chi tiết định hướng mục tiêu để tăng cường thương mại và chuỗi cung ứng mới, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển và cam kết các mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy quan hệ đối tác mới – an ninh mạng, an ninh hàng hải, sẵn sàng phục hồi sau thảm họa.
Bốn là, hợp tác khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số.
Năm là, thúc đẩy hợp tác thiết thực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên sự hội tụ giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI); tăng cường quan hệ đối tác chiến lược về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Có thể nói, trong nửa thế kỷ kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đã tiến những bước dài. Sự thay đổi và phát triển trong mối quan hệ giữa hai nước phản ánh sự thay đổi trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Trong 50 năm qua, tuy tình hình của mỗi nước, của khu vực và thế giới liên tục có những biến động nhưng quan hệ Việt Nam – Ấn Độ vẫn “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. “Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và con người” tiếp tục thực hiện vai trò mang tính lịch sử, bao trùm mọi lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Với những kết quả hợp tác hai nước đã đạt được trong 50 năm qua, có thể tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng sự mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai nước trong thời kỳ mới.
Bảo Trâm (VIF, Theo India Times)
ConversionConversion EmoticonEmoticon