Giá như lịch sử Việt Nam không chỉ “nằm im” trên giấy mà xuất hiện một cách sinh động qua từng thước phim chiếu trong khung “giờ vàng” của VTV, thì có lẽ câu chuyện giáo dục lịch sử cũng sẽ giải quyết được phần nào.
Xung quanh vấn đề lịch sử trở thành môn học tự chọn trong chương trình giáo dục mới, nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra. Thậm chí, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có báo cáo đề nghị Bộ Giáo dục quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc. Đề nghị này đã nhận được sự tán thành của đông đảo dư luận.
Phải thẳng thắn đánh giá, việc giáo dục lịch sử không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà nó là nhiệm vụ của toàn xã hội. Muốn giáo dục lịch sử không đi vào lối mòn, không gây ra sự căng thẳng, nhàm chán cho người học thì chúng ta phải thay đổi cách thức giáo dục. Kết hợp giữa giáo dục trong trường học và giáo dục ngoài xã hội.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao người trẻ hiện nay lại thuộc lòng lịch sử, văn hoá của Trung Quốc, Hàn Quốc hơn là chính lịch sử, văn hoá của dân tộc mình? Dĩ nhiên, trong phần lịch sử thế giới, học sinh sẽ được học về lịch sử của nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến một bộ phận không nhỏ người Việt, nhất là người trẻ hiểu lịch sử, văn hoá của nước bạn hơn chính nước mình là do thường xuyên xem phim của nước bạn.
Nói cách khác, những quốc gia này đã đưa lịch sử từ những dòng chữ, hình ảnh khô khan, bất động trên giấy trở thành một sản phẩm văn hoá hết sức sống động, có âm thanh, có hình ảnh, có cốt truyện hấp dẫn người xem. Đồng thời, với những nét văn hoá tương đồng, người Việt sẽ dễ dàng đón nhận phim ảnh của Trung Quốc, Hàn Quốc hơn phim ảnh của một số quốc gia khác. Theo quy luật cung – cầu, khi người dân có nhu cầu thì các nhà đài sẽ phát sóng các phim theo thị hiếu người xem vào những khung “giờ vàng”. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần đưa lịch sử, văn hoá của nước bạn được truyền bá rộng rãi.
Quay lại với Việt Nam, chúng ta chưa chuyển thể hết được những nét đẹp của lịch sử lên phim ảnh. Gần đây, số lượng phim Việt phát sóng vào khung “giờ vàng” có tăng lên nhưng nội dung chủ yếu là các vấn đề gia đình, xã hội. Những bộ phim đề tài lịch sử chủ yếu vẫn ở dạng phim tài liệu. Lác đác cũng đã có một số nhà làm phim khai thác đề tài lịch sử để xây dựng thành phim điện ảnh và được công chúng hết sức đón nhận. Riêng về mảng phim truyền hình, các phim về lịch sử gần như vẫn vắng bóng.
Có người đưa ra ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ phim ảnh và các sản phẩm văn hoá của Trung Quốc, Hàn Quốc khỏi các khung “giờ vàng” để đưa những sản phẩm văn hoá của Việt Nam hoặc các quốc gia khác vào thế chỗ. Tuy nhiên, đây là ý kiến hết sức cực đoan. Văn hoá không có tội. Việc tiếp cận các giá trị văn hoá của quốc gia khác để mở rộng vốn hiểu biết cho chính mình là điều cần thiết. Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều kênh để đăng tải các sản phẩm văn hoá, vì vậy, tuỳ theo nhu cầu mà người dân sẽ tự do lựa chọn các sản phẩm văn hoá mình thích xem, muốn xem để theo dõi. Nếu các kênh truyền hình không phát sóng đúng nhu cầu thì người dân cũng sẽ chủ động tìm kiếm trên mạng internet để có sản phẩm giải trí như mong muốn.
Quay lại với Việt Nam, hỏi rằng lịch sử chúng ta có hào hùng không, có huy hoàng không, có đáng tự hào không thì dĩ nhiên là có. Vậy nhưng chúng ta chưa biến được những điều này trở thành sản phẩm văn hoá thực sự thu hút để truyền bá trước hết là trong nước và sau đó là vươn mình ra thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà làn sóng văn hoá Hàn Quốc (Hallyu) hay làn sóng văn hoá Trung Quốc vươn tầm mạnh mẽ. Đó là kết quả của sự đầu tư trong một thời gian dài. Vì vậy, không còn cách nào khác là chúng ta phải thay đổi tư duy trong cách làm văn hoá. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cái nhìn rộng, có lộ trình phù hợp để đào tạo con người, đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện phù hợp để đưa lịch sử Việt Nam vào các sản phẩm văn hoá, phim ảnh!
Bảo An
ConversionConversion EmoticonEmoticon