Với 467/480 số phiếu tán thành, Nghị quyết về “Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Thông tin trên khiến gợi nhớ đến bộ phim “Catch Me If You Can” (Hãy Bắt Tôi Nếu Có Thể).
Phim dựa trên câu chuyện có thật về một kẻ giả mạo chi phiếu và siêu lừa đảo trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ tên Frank Abagnale. Đáng nói chỉ sau 5 năm thụ án, cuộc đời siêu lừa Frank Abagnale được mở lối với đề nghị cộng tác từ Chính phủ Mỹ, cho phép anh ta được ra ngoài làm dưới sự giám sát của Chính phủ, đem tài năng của mình để đóng góp, xây dựng các biện pháp phòng ngừa, chương trình huấn luyện nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, giả mạo và ăn cắp tài chính.
Tương tự trở lại với việc cho phép phạm nhân được lao động ngoài trại giam vừa được bấm nút thông qua, có thể nói đây là bước tiến lớn về các chính sách nhân đạo, nhân quyền đối với các phạm nhân đang nỗ lực, cố gắng cải tạo tốt tại các trại giam. Các hoạt động này nếu được tổ chức, kiểm soát tốt tin rằng sẽ giúp “đường trở về nhà của các phạm nhân ngắn lại” như Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) từng hơn một lần chia sẻ.
Từng phạm tội, hơn ai hết, các phạm nhân là những người hiểu rõ cái giá của sự tự do, giá của lao động để sống cuộc đời chân chính. Cũng vì lẽ đó, đa số họ đều sẽ cố gắng học tập cải tạo, nhất là những người trẻ, chưa từng trải, chưa hiểu giá trị của lao động thì vào trại giam, họ thấm thía, hiểu rõ nhất. Họ mong muốn, khát khao được học nghề, được lao động để sau này khi trở về gia đình, cộng đồng không bị bỡ ngỡ, không bị coi thường, rẻ khinh.
Có một thống kê rất đáng suy ngẫm mà Đại biểu Nguyễn Thị Thủy từng chia sẻ trước Quốc hội rằng: “Tổng số phạm nhân đang chấp hành án khoảng 150.000 người. Trong đó, có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, 2; cá biệt có 4,7% không biết chữ; 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại cho thấy nhu cầu tìm việc làm vô cùng lớn”. Vậy nên, như câu “nhàn cư vi bất thiện”, nếu không tổ chức tốt việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti, nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn. Chưa kể, hiện nay tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng, tạo áp lực lớn đối với công tác cải tạo, giam giữ. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn.
Thực tế ấy càng minh định hơn về sự đúng đắn, cần thiết, góp phần giải quyết khó khăn cho Nhà nước và các cơ quan quản lý trại giam như Bộ trưởng Công an Tô Lâm từng chia sẻ: “Nghị quyết rất có ý nghĩa trong công tác thi hành án, trong khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp không ít khó khăn”. Hơn thế Nghị quyết còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong giam giữ, cải tạo. Bởi một điều dễ hiểu, dù phạm nhân là thành phần có tội, đang phải chịu án phạt nhưng cũng cần tạo điều kiện giúp họ cải tạo trở thành người tốt, khi hết hạn tù có thể làm việc và trở thành người có ích cho xã hội. Chẳng thế mà, ngay khi Quốc hội bấm nút thông qua, có ý kiến đã đăng tải dòng chia sẻ “một nghị quyết vừa được thông qua, ngàn con đường trở về với những mảnh đời lầm lỡ ngắn lại”.
Văn Dân
ConversionConversion EmoticonEmoticon