Chỉ chưa đầy 30 ngày, hàng loạt vụ xả súng xảy ra, mà nạn nhân lại toàn là trẻ em, phụ nữ, người già yếu…. Nhiều người Mỹ khắc khoải đặt câu hỏi đất nước họ giờ đây coi “mạng sống của con người đáng giá bao nhiêu” và “tự do thật sự là gì”.
Mới nhất, sáng 2/6 (giờ địa phương), một vụ xả súng đã diễn ra tại khuôn viên Bệnh viện St. Francis ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Theo CNN, sở cảnh sát Tulsa cho biết ít nhất 5 người, bao gồm 4 dân thường và tay súng, đã thiệt mạng.
Bệnh viện, nơi những bệnh nhân và những người già yếu đang cần được chăm sóc lại trở thành nơi thiếu an toàn. “Vậy liệu còn nơi nào an toàn trên đất Mỹ?”, câu hỏi được Washington Post đã phơi bày mặt tối của nước Mỹ.
Riêng New York Times lại cho rằng, sau hàng loạt vụ xả súng và giết chóc vì phân biệt chủng tộc, nước Mỹ đang để lộ ra hàng loạt “mũi tên”.
Một mũi tên cắm sâu trong lòng nước Mỹ được phơi bày trong thảm kịch xả súng khiến 19 trẻ em và 2 giáo viên thiệt mạng ở Texas, hay khi tay súng có tư tưởng da trắng cực đoan giết chết 10 người tại một siêu thị ở Buffalo. Mỹ trở thành quốc gia học cách sống chung với hết vụ xả súng hàng loạt này tới vụ xả súng hàng loạt khác.
Nước Mỹ cũng bị tổn thương bởi nhiều “mũi tên” khác. Cảnh sát giết người da màu không mang vũ khí, rồi lại vẫn tiếp tục cam kết sẽ thay đổi. Hơn một triệu người tử vong vì Covid-19 – một con số lớn không thể tưởng.
Hàng núi tai họa, hàng loạt vụ xả súng và cả nước tê liệt trước câu hỏi làm thế nào để được cảm thấy an toàn, đã chỉ ra rằng Mỹ đang vật lộn với những câu hỏi cơ bản: Nước Mỹ đong đếm giá trị mạng sống của một con người bằng bao nhiêu? Tự do thật sự trong hiến pháp là gì?
Tuy nhiên, thay vì cùng nhau đau buồn và hành động tập thể, mỗi cuộc khủng hoảng giờ đây dường như đẩy nước Mỹ sâu hơn vào chia rẽ và tranh luận xem phải làm gì để đối phó, theo New York Times.
Văn hóa Mỹ thường đặt tự do cá nhân lên trên nhu cầu tập thể. Nhưng cuối cùng, con người được sinh ra để quan tâm đến người khác chứ không quay lưng lại với cộng đồng như hiện tại, theo tiến sĩ Cynthia Bourgeault – linh mục tại Episcopal và là giảng viên về thần học huyền bí.
Bà Cynthia Bourgeault cũng cho rằng việc đặt tự do cá nhân lên quá cao cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến nước Mỹ trở nên hỗn loạn.
Theo New York Times, tỷ lệ bạo lực súng ở Mỹ hiện tại đang vượt trội hơn những gì nước này có thể chấp nhận. Riêng bà Phillis Isabella Sheppard – lãnh đạo Viện James Lawson, nghiên cứu các phong trào bất bạo động tại Đại học Vanderbilt, lại nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang có một “mối tình sâu đậm với bạo lực”.
Và mối tình này sẽ còn tồn tại lâu bền nếu việc tự do dùng súng và phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện hữu trên nước Mỹ, theo Phillis Isabella Sheppard.
Bà nói rằng bạo lực gần như trở thành một phần bình thường trong cuộc sống ở Mỹ hiện tại, và việc đánh giá giá trị cuộc sống gắn liền với câu hỏi về cam kết không sử dụng bạo lực. Tuy nhiên, bà cho hay nhiều người tự cho mình là bất bạo động, nhưng sử dụng bạo lực để giải trí.
Tất cả những điều trên khiến hàng triệu người Mỹ hoài nghi “Liệu tự do là gì? Mạng sống người Mỹ có đang được bảo vệ ngay trên đất Mỹ…”, khi mỗi ngày con người đều phải sống trong lo sợ không biết nơi nào là an toàn với những kẻ sở hữu súng.
Bảo Trâm (Theo New York Times, CNN)
ConversionConversion EmoticonEmoticon