Tổng số lượt xem trang

Cổ phiếu Vingroup ảnh hưởng sau tin đồn, kẻ tung tin có bị xử lý hình sự?

 

Sau khi tin đồn bôi nhọ thương hiệu Vingroup bị phát tán, 3 cổ phiếu "họ Vingroup" đã lao dốc... Theo luật sư, việc xử lý hành chính hay xử lý hình sự người tung tin được căn cứ vào mức độ hậu quả.

Chiều 11/7, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Bộ Công an xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ H. (38 tuổi, ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup.

Hiện ngoài trường hợp của ông H., cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định đối với 9 cá nhân tại tỉnh, thành phố khác vì đã đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; tung tin đồn ông Vượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức xử phạt như vậy là quá nhẹ vì việc tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân, thương hiệu của doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Độc giả Dân trí đề xuất, đây là hành động phá hoại, vì vậy cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể phạt vi phạm hành chính. 

Cổ phiếu Vingroup ảnh hưởng sau tin đồn, kẻ tung tin có bị xử lý hình sự? - 1

Cú hồi phục ngoạn mục của cổ phiếu VIC (một trong 3 cổ phiếu "họ Vingroup" gồm VIC, VHM, VRE) trong 15 phút của đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) - (Ảnh chụp màn hình).

Vậy trong trường hợp nào người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự vì bôi nhọ doanh nghiệp, gây thiệt hại kinh tế?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, có không ít đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi, nhanh chóng của mạng xã hội để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật với mục đích câu like, câu view.

Trong đó việc tung tin đồn sai sự thật đối với một tỷ phú đứng đầu một doanh nghiệp lớn, đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, kéo theo nhiều hệ lụy không thể lường trước đến nền kinh tế. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh, xử lý cá nhân vi phạm và nếu phát hiện có hành vi bao che, hay cố tình làm rò rỉ thông tin thì cũng cần phải xử lý nhanh chóng và thật nghiêm. 

Hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời phải bồi thường tương xứng với mức độ thiệt hại mà hành vi này gây ra cho doanh nghiệp. 

Cổ phiếu Vingroup ảnh hưởng sau tin đồn, kẻ tung tin có bị xử lý hình sự? - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Về trách nhiệm hành chính, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, mà trường hợp này là tập đoàn Vingroup có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Với hành vi vi phạm nêu trên, tổ chức sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng; còn cá nhân là từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đồng thời, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã đăng tải trên không gian mạng.

Về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định pháp luật, bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Vingroup, cụ thể làm Cổ phiếu 'họ Vingroup' giảm đà lao dốc, gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, rõ ràng có thể thấy rằng việc tung tin đồn thất thiệt về chủ tịch Phạm Nhật Vượng làm giá cổ phiếu của tập đoàn Vin giảm mạnh, dẫn đến các thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, kéo chỉ số VN-index giảm sâu, tâm lý nhà đầu tư chao đảo. Như vậy, việc tung tin đồn sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. 

Theo đó, người thực hiện hành vi này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với những hậu quả đã gây ra. Căn cứ quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người nào có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; đồng thời các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Luật sư khuyến cáo, vấn nạn đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội là rất nguy hại. Không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức mà còn gây thiệt hại đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Dẫu biết rằng việc đăng tải các thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi người, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, mỗi người phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đúng, không xuyên tạc, trái quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

Minh Triết

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son