Hàng nghìn người biểu tình tràn ra các con phố ở thủ đô Sri Lanka, xông vào Phủ Tổng thống nhằm bày tỏ bất bình trước cuộc khủng hoảng của đất nước. Hàng nghìn người thậm chí còn xông vào đốt nhà nhằm gây sức ép, đòi cả Tổng thống và Thủ tướng nước này từ chức.
Theo Guardian, những đám đông khổng lồ đã đổ về thủ đô Colombo của Sri Lanka để biểu tình, khoét sâu thêm tình trạng bất ổn vốn đã rất nghiêm trọng tại đảo quốc Ấn Độ Dương, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại đây.
Nền kinh tế Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng cao kỷ lục lên gần 60% và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong khi giá cả tăng vọt, tình trạng mất điện, thiếu hụt xăng dầu và gas đun bếp xảy ra thường xuyên, khiến cuộc sống của người dân – đặc biệt là những người nghèo – thêm phần khốn khổ.
Đặc biệt, Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng trong tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài cùng lạm phát phi mã do chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các loại hàng hóa quan trọng. Nền kinh tế bên bờ vực cùng cuộc sống thiếu thốn khiến nhiều người dân cảm thấy giận dữ.
Tâm lý bất mãn đã gia tăng lên mức chưa từng có tiền lệ ở quốc gia Nam Á có hơn 22 triệu dân hôm 9/7, khi 100.000 người đã tập hợp bên ngoài tư dinh của Tổng thống Rajapaksa để yêu cầu ông này từ chức.
Video do truyền thông đăng tải cho thấy, người biểu tình xông vào Phủ Tổng thống sau khi phá vỡ hàng rào an ninh do cảnh sát lập ra. Người biểu tình sau đó đột kích vào bên trong tòa nhà, treo băng-rôn trên ban công và bơi trong khu vực bể bơi của dinh tổng thống.
Người biểu tình cũng xông vào khu dinh thự chính thức của Thủ tướng Wickremesinghe ở Colombo. Ngoài ra, họ cũng đột kích vào tư dinh của ông Wickremesinghe ở Fifth Lane và châm lửa đốt tòa nhà này.
Ít nhất 55 người đã bị thương, ít nhất 38 dinh thự của các chính trị gia bị thiêu rụi trong các cuộc biểu tình. Theo các chuyên gia, tình hình khủng hoảng tài chính tồi tệ ở Sri Lanka đã kích hoạt sự phẫn nộ trong dư luận, dẫn tới cuộc biểu tình diện rộng.
Trang Guardian cho biết, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng chính sự coi thường của giới tinh hoa chính trị và tài chính đối với thường dân đã khiến đất nước lâm vào cảnh khốn cùng. Giờ đây, chính tầng lớp trung lưu và lao động là những người đang phải hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.
Đợt cắt điện tồi tệ hồi tháng 3 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng ở thủ đô Colombo. Khoảng thời gian đó, những đợt cắt điện kéo dài 13 giờ mỗi ngày đã khiến người dân Sri Lanka kiệt quệ trong những tuần nóng nhất trong năm.
Sự mệt mỏi đã làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ. Một đám đông hàng nghìn người đã đổ về vùng ngoại ô phía đông Colombo và biểu tình trước dinh thự của tổng thống.
Trên mạng xã hội, các chính trị gia tỏ ra cảm thông. Họ đăng tải những bức ảnh về tình cảnh khó khăn của người dân và kêu gọi sự thay đổi. Nhưng làm vậy chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Người dân cho rằng chính các chính trị gia là những người đẩy đất nước và nhân dân vào tình cảnh này.
Vậy mà giờ đây, cũng chính những nhà lãnh đạo bị cáo buộc đẩy Sri Lanka xuống vực thẳm khủng hoảng khẳng định chỉ có họ mới có thể vực dậy hòn đảo này. Trên thực tế, các chính sách mà họ đưa ra đã vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt.
Chẳng hạn, họ kêu gọi người dân ra nước ngoài làm người giúp việc, tài xế và thợ máy ở Trung Đông, với hy vọng lực lượng xuất khẩu lao động sẽ gửi thu nhập về nước.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự khốn khổ cho tầng lớp công dân dễ bị tổn thương nhất của Sri Lanka. Bởi lẽ, những người Sri Lanka nghèo không có hy vọng tìm được việc làm tại địa phương, buộc phải rời bỏ gia đình để đến các quốc gia khác, sẽ nhận được rất ít sự bảo hộ ở nước ngoài.
Bảo Trâm (Theo Guardian, BBC)
ConversionConversion EmoticonEmoticon