Dự án “ma” là những dự án không có thật, chỉ tồn tại trên giấy, chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào phê duyệt hay còn được hiểu là những dự án không có thật. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các “dự án ma” mọc lên như nấm, bất chấp các quy định pháp luật. Công ty Vạn An Phát là một trong số “chủ đầu tư” đứng sau hàng loạt “dự án” như vậy.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 2 người dân ở địa bàn TP. HCM là ông T (68 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh) và bà N (66 tuổi, trú tại quận Tân Phú) là nạn nhân. Họ lên tiếng tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vạn An Phát. Phần đất mà môi giới giới thiệu cho ông T và bà N mua đều không được Nhà nước cấp giấy phép xây dựng. Đất nền đó cũng không hề thuộc quyền sử dụng của Vạn An Phát mà là đất của những cá nhân xin hiến đất làm đường. Sau đó, đất được phân lô tách thửa, sau đó tự gắn tên dự án rồi rao bán với giá rẻ trên mạng xã hội.
Nhưng điểm đáng nói ở đây chính là thủ đoạn, hành vi “lùa gà” điêu luyện của những nhà môi giới từ dự án “ma”. Những nhà môi giới tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 20-25 tuổi, sẽ đánh vào tâm lý muốn sinh lời nhanh của nhà đầu tư mà đưa ra những lời hứa hẹn giảm giá, những khoản lời khổng lồ mà nhà đầu tư có thể nhận được nếu xuống tiền ngay hôm nay.
Một kịch bản được dùng cho hàng loạt khách hàng, đó là trong quá trình dẫn khách đi xem đất, họ sẽ dùng hiệu ứng “chim mồi”, sắp xếp một cá nhân vào đòi mua bất động sản đó ngay trong lúc nhà đầu tư đang lưỡng lự. Liên tục nghe điện thoại và nói to những thông tin như “đất nền vị trí đẹp đã bị mua gần hết”, “giá đất sắp tăng hay sắp hết chương trình khuyến mãi”,… cũng là chiêu trò được áp dụng phổ biến khi gặp gỡ trực tiếp khách hàng. Hành vi này tác động trực tiếp đến tâm lý khách hàng. Hậu quả, khách hàng dễ rơi vào “bẫy nhu cầu”, nghĩa là tự nhiên xuất hiện “nhu cầu muốn mua” mà chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ, nhưng sau đó về nhà lại không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy.
Đáng buồn là, nạn nhân bị Vạn An Phát sử dụng chiêu trò lừa đảo đa phần đã lớn tuổi và có người còn bị mất trắng số tiền dưỡng già. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tất cả nạn nhân của dự án “ma” do Vạn An Phát tạo ra. Khi đã xuống tiền đặt cọc thì chỉ có hai con đường là đóng tiếp số tiền theo giai đoạn đã ký trong hợp đồng, hai là sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc để tránh tổn thất nhiều hơn. Nhiều người biết mình đã vào tròng nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu biết về pháp luật cũng như đủ dũng cảm để đứng lên tố cáo hành vi sai trái này.
Để tránh những trường hợp kể trên, nhà đầu tư nên cảnh giác trước các dấu hiệu sau: Bất động sản được rao bán có giá rẻ bất thường so với giá thị trường; Số điện thoại dùng để đăng tin rao bán cùng lúc rất nhiều bất động sản giá rẻ bất thường. Đặc biệt, nếu môi giới không gửi trước vị trí bất động sản và các giấy tờ pháp lý thì nhà đầu tư nên từ chối đề nghị. Nếu điểm hẹn đi xem bất động sản tập trung đông người với rất nhiều xe dịch vụ thì có lẽ đó đều là những nạn nhân bị lừa bởi các tin rao bán bất động sản giá rẻ na ná nhau. Nhân viên kinh doanh luôn thúc giục khách đặt cọc với 2 lý lẽ: “Chỉ duy nhất hôm đó đặt cọc mới được giảm giá” và “sau khi về, nếu không muốn mua nữa có thể hoàn lại 100% tiền đã đặt cọc”.
Theo các chuyên gia pháp lý, phiếu đặt chỗ hay giấy đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, có hiệu lực pháp lý và phương thức thanh toán trên giấy đặt cọc cũng có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nếu dự án mà công ty này bán chưa được phép giao dịch trên sàn (chưa san lấp mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng…) thì khách hàng có quyền yêu cầu trả lại tiền cọc hoặc khởi kiện ở tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Không chỉ riêng Vạn An Phát, mà hiện nay trên mạng xã hội vẫn còn đầy rẫy lời mời chào hấp dẫn từ các dự án ma. Nhà đầu tư nếu không muốn tự đẩy bản thân vào cảnh nợ nần chồng chất thì trước hết cần trang bị kiến thức và sau đó phải có một tinh thần kiên định, vững vàng trước các lời mời gọi “chết người”.
LS Lê (Theo canhco.net)
ConversionConversion EmoticonEmoticon